Gỡ khó để tiếp cận thị trường lao động Đức
Như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức cũng đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa gia tăng. Theo thống kê, đến năm 2030, Đức dự kiến thiếu hơn 5 triệu lao động; tới năm 2035 con số này lên khoảng 7 triệu người.
Thời gian qua, hàng loạt biện pháp đã được giới chức Ðức thúc đẩy triển khai để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Quốc hội nước này cũng đã thông qua luật nhập cư mới, cho thấy quyết tâm cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư nhằm nhanh chóng bổ sung lực lượng lao động cho nền kinh tế.
Dù có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động nước ngoài nhưng số lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức còn hạn chế. Ảnh: CP |
Trong khi Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, nhiều người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Đức và đã được đào tạo kỹ năng nghề.
Tại những buổi gặp gỡ với doanh nghiệp Đức, nhiều ý kiến đều nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa 2 nước Việt - Đức trong lĩnh vực cung ứng lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cả về lý thuyết và thực hành đối với các ngành nghề y tế; nhà hàng, khách sạn; phát triển cơ sở hạ tầng; công nghệ sinh học, hóa học; thiết bị y tế, giáo dục…
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại khu vực châu Âu nói chung, Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng, mặc dù có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động nước ngoài nhưng hiện nay lao động Việt Nam sang làm việc tại khu vực này còn hạn chế.
Tại buổi tiếp ông Christoph Hoffman - Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức nhằm trao đổi về tình hình hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Cộng hòa Liên bang Đức và Chương trình đào tạo nghề, đánh giá cao đối với những học viên học nghề của Việt Nam khi tham gia hệ thống đào tạo nghề kép của Đức, mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã chia sẻ một trong những vướng mắc của vấn đề là ngoại ngữ.
Theo quy định, người lao động Việt Nam phải đạt trình độ B2 tiếng Đức mới được đi làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức. Với quy định này, người lao động Việt Nam phải tham gia khóa học tiếng Đức từ 12 - 18 tháng mới đạt trình độ, song không phải ai cũng dễ dàng học được tiếng Đức.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị, đối với công việc liên quan đến ngành y tế (điều dương viên) người lao động phải có trình độ B1 tiếng Đức trở lên; với công việc còn lại người lao động phải có trình độ A1 tiếng Đức trở lên. Người lao động sau khi nhập cảnh Cộng hòa Liên bang Đức làm việc phải tiếp tục học tập tiếng Đức để đáp ứng yêu cầu công việc.
Trên thực tế, ngoại ngữ không chỉ là rào cản đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức mà nhiều quốc gia cũng đối mặt, bởi tiếng Đức không phải là một ngôn ngữ dễ học, hầu hết mọi người đều gặp không ít thử thách từ thứ tiếng này. Số liệu thống kê có đến 50% học viên, người lao động trượt kỳ thi tiếng Đức.
Để khắc phục khó khăn này, Cộng hòa Liên bang Đức đang cân nhắc mô hình mới về đào tạo tiếng Đức. Phía Cộng hòa Liên bang Đức Đức có thể cử giáo viên đã về hưu sang Việt Nam đào tạo học viên, người lao động về tiếng Đức với tinh thần hỗ trợ, thiện nguyện là chính. Sau thời gian học tiếng, các học viên sẽ tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ.