Luật Việc làm (sửa đổi): Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp Luật Việc làm (sửa đổi): Cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả |
Nhiều chính sách lao động được bổ sung
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được rà soát, sửa đổi, kết cấu lại gồm 9 chương, 94 điều (giảm 36 điều so với dự thảo Luật kèm Tờ trình số 410/TTr-CP), nhưng vẫn đảm bảo quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi để tất cả người lao động, trong đó có lao động không có quan hệ lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ.
Luật Việc làm (sửa đổi) kỳ vọng cho thị trường lao động bền vững. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bắc Ninh |
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung thêm 4 nhóm chính sách, đó là: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Trong đó đối với nhóm chính sách về quản trị thị trường lao động, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng: Bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động (Điều 27); sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách (từ Điều 29 đến Điều 32); bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động (Điều 33).
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về đăng ký lao động đối với người lao động có việc làm (người có việc làm thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và người có việc làm không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và người thất nghiệp (người lao động không có làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc).
Đồng thời bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm (Điều 48) nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ việc làm, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công thiết yếu về việc làm, đảm bảo tuân thủ Công ước mà Việt Nam đã tham gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động; xây dựng sàn giao dịch việc làm công và tư.
Cùng với vai trò của ngành lao động, các cơ quan thống kê chịu trách nhiệm về thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thông tin thị trường lao động theo pháp luật về thống kê. Những quy định trên nhằm phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất, có sự liên thông, kết nối và chia sẻ.
Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững
Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm, Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác; nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội (để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đồng thời bổ sung quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương bao gồm vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác, giao UBND cùng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Ngoài ra, cũng sửa đổi, bổ sung các quy định: Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi (Điều 17), chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh (Điều 19), quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử (Điều 47), quy định về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia (điểm c khoản 1 Điều 53); sửa đổi, bổ sung các quy định: Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 64 đến Điều 69), các quy định liên quan về quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 78 đến Điều 82), Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 83 đến Điều 84), khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 85 đến Điều 89) đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã nêu tại Tờ trình số 677 /TTr-CP. Ủy ban nhận thấy, quy định của dự thảo Luật góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước; cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đánh giá về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên.
Giới chuyên gia đánh giá, việc sửa đổi Luật Việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất người lao động.