Thứ năm 28/11/2024 21:14

Gỡ đầu ra cho nông sản qua thương mại điện tử: Hình thành chuỗi liên kết từ 6 nhà

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử, đặc biệt hướng đến xuất khẩu nên chuyên nghiệp hóa việc hình thành chuỗi liên kết từ 6 nhà.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm nông sản của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử và hướng đến xuất khẩu.

Thực tế, từ Đại hội XIII của Đảng đã xác định vai trò của việc phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp. Cụ thể: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị” để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

Trong đó, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với dự báo về thị trường đầu ra.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững qua thương mại điện tử

Bên cạnh đó, ngoài các kênh phân phối truyền thống, việc phát triển chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ, chú trọng đầu tư bán hàng đa kênh, đặc biệt trên thương mại điện tử cần được chú trọng hơn hết.

Đặc biệt, trong bối cảnh của đại dịch, đã cho thấy vai trò của việc đầu tư vào thương mại điện tử. Nhờ thương mại điện tử đã trở thành cầu nối giúp bà con có thể phát triển nhanh trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là hiện bà con gặp phải khó khăn gì khi lên sàn thương mại điện tử? Và làm sao để hài hòa được lợi ích của các bên tham gia chuỗi liên kết, mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp và nông hộ khi tham gia thương mại điện tử?

Để thúc đẩy việc phát triển chuỗi liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm nông sản của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử và hướng đến xuất khẩu, ông Nguyễn Bình Minh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, muốn đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi số, cũng như phát triển thương mại điện tử ở các vùng sâu vùng xa, cần phải có sự vào cuộc của rất nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, có việc các đơn vị, các sàn thương mại điện tử về hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm.

"Tuy nhiên, về lâu dài thì hoạt động đào tạo và phát triển thương mại điện tử của chúng ta cần phải có lộ trình, điều này Sở Công Thương hay các đơn vị quản lý ở tại địa phương sẽ có lộ trình phù hợp để trợ giúp bà con" - ông Nguyễn Bình Minh thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, cần chú trọng đào tạo cho các hợp tác xã, thậm chí là đào tạo cho các hộ gia đình để họ biết thêm kiến thức căn bản, và kiến thức nâng cao về thương mại điện tử. Bên cạnh đó là sử dụng các công nghệ về truy xuất nguồn gốc, cần phổ cập các hoạt động về truy xuất nguồn gốc cho bà con nông dân. Bởi vì những công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại thì mới được các thị trường ở trên thế giới họ dễ dàng chấp nhận.

Đảm bảo chất lượng từ vùng trồng đến bàn ăn

Là công ty có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gia vị của Việt Nam, đến nay Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE đã chinh phục được rất nhiều các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc hay là Nga.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu, và đưa sản phẩm lên thương mại điện tử, ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi tham gia thị trường là ngoài tìm được sản phẩm chất lượng phải giải quyết được các vấn đề về chế biến đóng gói và cách làm thương mại thế nào cho hiệu quả.

Cụ thể như đối với DACE, để hàng hoá có thể đáp ứng được những thị trường khó tính và có thể xuất khẩu, DACE cũng phải đạt được những tiêu chuẩn quốc tế, những tiêu chuẩn về hữu cơ, những tiêu chuẩn của nhà máy. Ngoài những vấn đề tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thì còn cần đảm bảo yêu cầu về sự công bằng xã hội, công bằng về bảo vệ môi trường và vấn đề con người.

“Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, thị trường. Từ kinh nghiệm rút ra, theo tôi chúng ta nên chuyên nghiệp hóa việc hình thành chuỗi liên kết từ người nông dân đến thu gom, đến nhà chế biến, rồi xuất khẩu. Nếu như trước giờ là 4 nhà, bây giờ có thêm qua kênh thương mại điện tử, chúng ta phải có sự tham gia của 6 nhà" - ông Hiếu nói.

Thứ nhất là nhà nông, người sản xuất ra những nguyên liệu tự nhiên, những nguyên liệu thô. Thứ hai là doanh nghiệp chế biến, sau khi thu mua về sẽ phải xử lý những vấn đề về vi sinh, xử lý vấn đề về côn trùng, và về hóa chất để đạt được tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu.

Thứ ba là nhà khoa học, với việc bán qua kênh thương mại điện tử đối với những sản phẩm tươi thì cần bảo quản, đóng gói thế nào đảm bảo đến tay người tiêu dùng hàng vẫn chất lượng.

Thứ tư là nhà logistic, bởi việc vận chuyển trong chuỗi cũng rất quan trọng. Bởi việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử, với những đơn hàng nhỏ lẻ có thể chỉ từ 1kg đến 2kg, 5 hay 10kg. Vậy, làm sao để đảm bảo được việc vận chuyển đảm bảo theo yêu cầu của người tiêu dùng, không để chậm trễ.

Thứ năm là nhà thương mại điện tử, ví dụ như Hiệp hội Thương mại điện tử, các bộ, ngành, đơn vị cũng phải hỗ trợ vào chuỗi này, để làm thế nào để mang đến khách hàng nhanh nhất, hình ảnh đẹp nhất, thông tin đầy đủ nhất và có những kỹ thuật để tiếp cận cho khách hàng tốt nhất.

Thứ sáu là Nhà nước, ở đây Nhà nước sẽ quản lý từ việc truy xuất nguồn gốc, từ vùng trồng sản xuất như thế nào, làm sao để đảm bảo chất lượng trên thị trường thị trường trong nước và xuất khẩu. Và làm thế nào để phân phối qua thương mại điện tử thì việc quản lý càng khó hơn.

“Để đảm bảo chất lượng từ nông trại đến bàn ăn của người tiêu dùng, chúng ta cũng phải có quản lý về chất lượng, bằng hình thức là chứng nhận hay bằng hình thức là quản lý của Nhà nước nào đó để kiểm tra, và tất cả những nhà tôi nêu trên hình thành một chuỗi” - ông Hiếu cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, mặc dù trong những năm vừa qua Chính phủ rất quan tâm trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến và thương mại. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước nên có những hỗ trợ để cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu và nó sẽ giảm tải việc đầu tư về chi phí cố định cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung vào việc đào tạo con người và tập trung vốn lưu động để có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Đỗ Nga
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Online Friday 2024

Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục, Mẹ Sam... sẽ tham gia Online Friday 2024

Phát triển thương mại điện tử: Cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Online Friday: Thúc đẩy sự bứt phá của thương mại điện tử Việt Nam

Ngành Công Thương Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp hưởng ứng ngày Online Friday 2024

Hôm nay 25/11, bắt đầu Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday 2024)

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Thương mại điện tử là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Sự kiện thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024

Tăng trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong ngăn chặn hàng giả, hàng lậu

Online Friday 2024: Bước nhảy vọt của hàng Việt trong kỷ nguyên thương mại điện tử

3 nội dung chính của Diễn đàn Thương mại điện tử và Kinh tế số ngành Công Thương 2024

Mô hình 'con tôm ôm cây lúa' đưa đặc sản An Giang lên sàn thương mại điện tử

Công ty Coca-Cola Việt Nam: Đào tạo kinh doanh thương mại điện tử từ sản phẩm sơn mài truyền thống

Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số Việt Nam

Online Friday 2024: Kích hoạt hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn, lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số