Giảm phát thải khí nhà kính: Không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, trong các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu (BĐKH), phát thải khí nhà kính (KNK) từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN luôn chiếm tỷ trọng lớn. Giảm phát thải KNK đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với DN trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. “Sự tham gia của DN rất quan trọng không chỉ là một trong những đối tượng trực tiếp liên quan đến phát thải KNK mà còn có khả năng đóng góp nguồn lực tài chính và công nghệ trong mục tiêu giảm phát thải KNK” - ông Tuấn Quang chia sẻ.
Các công trình xanh giúp giảm phát thải khí nhà kính |
Là một trong những DN tiên phong trong phát triển bền vững, đại diện Heineken Việt Nam, bà Holly Bostock - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao - cho biết, DN triển khai các giải pháp, hoạt động nhằm mục tiêu cắt giảm KNK, thích ứng với BĐKH là xu thế phát triển tất yếu hiện nay. Triển khai các hoạt động, giải pháp này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho DN mà còn đóng góp nhiều cho môi trường, xã hội. Heineken Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo (nhiên liệu sinh khối, điện mặt trời áp mái và nhiệt năng sinh học)…
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực tư nhân chiếm đến 70% trong tổng số 21 tỷ USD nhu cầu đầu tư về các dự án, giải pháp thích ứng với BĐKH của Việt Nam. Ông Nguyễn Tín Huy - Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), thông tin, đóng góp của khối DN tư nhân rất quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc gia. Trong bối cảnh đó, các DN Việt Nam cần có động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như cung cấp và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng bền vững, không carbon với giá cả phải chăng, sử dụng tài nguyên tối ưu hơn nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội; thiết lập cơ chế tài chính xanh để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong báo cáo hoạt động của DN...
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và chuyển đổi số, cơ hội tiếp cận các sáng kiến kinh doanh bền vững vì một nền kinh tế phi phát thải của DN đang rộng mở hơn bao giờ hết. Ông Murooka Naomichi - Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam - cho biết, thông qua dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (SPI-NDC)”, JICA tiếp tục tạo cơ hội nâng cao năng lực và đối thoại giữa các bên chủ chốt liên quan để củng cố mối quan hệ hợp tác này. Nhận thức được nhu cầu tận dụng nguồn tài chính tư nhân cho các hành động về khí hậu ở Việt Nam, JICA đã giới thiệu nhiều hình thức hợp tác để hỗ trợ loại hình và quy mô hoạt động khác nhau của khu vực tư nhân trong việc giảm phát thải, điển hình như Chương trình tài chính đầu tư khu vực tư nhân (PSIF).
Việc tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong đổi mới công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải KNK sẽ góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn các mục tiêu về giảm phát thải KNK đã được Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP 26. |