Giải pháp nào xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP ngành cà phê?
Thưa ông, là người làm về sản phẩm OCOP, ông có thể cho biết về thực trạng những sản phẩm cà phê được công nhận là sản phẩm OCOP hiện nay? Việc được công nhận đã giúp gì cho bà con nông dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong tiêu thụ sản phẩm cà phê?
Ông Trần Thanh Bình – Phó Tổng Giám đốc phụ trách đầu tư, Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam |
Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, giúp tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Cho đến nay, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2022, xuất khẩu cà phê cả nước đã đạt trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới. Thời gian qua, nhiều nhãn hiệu cà phê Việt Nam đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Có thể nói, chứng nhận OCOP giúp cho các sản phẩm nâng cao giá trị. Sản phẩm cà phê đạt chứng nhận OCOP thường dễ xây dựng thương hiệu trong và ngoài nước hơn. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP khi tham gia thị trường sẽ nâng cao được năng lực và chủ đầu tư cũng có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, việc được chứng nhận sản phẩm OCOP là bảo chứng cho chất lượng của một sản phẩm và sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng xây dựng thương hiệu.
Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP cũng sẽ giúp sản phẩm dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị để nâng cao năng lực tiêu thụ. Theo thống kê của chúng tôi, việc tham gia Chương trình OCOP có thể giúp doanh số của doanh nghiệp tăng 30%, giá thành giảm 20% vì đã bớt đi đi khâu trung gian, đồng thời liên kết chuỗi từ tổ chức sản xuất, tổ chức vùng trồng, xây dựng thương hiệu…
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về sản phẩm cà phê |
Đặc biệt, chứng nhận OCOP giúp khẳng định thương hiệu cho vùng, địa phương, là động lực giúp bà con tạo vùng trồng, chế biến đảm bảo tiêu chuẩn hơn.
Mặc dù thời gian vừa qua, nhiều thương hiệu cà phê đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP, song việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là gì, thưa ông?
Thứ nhất, do đặc trưng của các sản phẩm cà phê là được trồng ở các địa phương miền núi, nơi có địa hình rất khó khăn. Việc canh tác không đồng đều do kinh doanh theo mô hình nông hộ, chưa tiến tới vùng trồng tập trung nên nhiều khu vực diện tích còn manh mún, quả chín không đồng đều, thu hái không theo tiêu chuẩn.
Thứ hai, việc di chuyển giữa vùng trồng đến nơi tiêu thụ ở nhiều khu vực rất xa, điều kiện đi lại khó khăn, trong khi công nghệ bảo quản nhiều nơi chưa phát triển nên việc duy trì chất lượng sản phẩm còn gặp khó.
Đặc biệt, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, kinh tế tài chính hạn hẹp nên cần hỗ trợ nhiều cho bà con khu vực này. Nhiều khi sản phẩm sản xuất ra nhưng “được mùa mất giá” khiến bà con phụ thuộc nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Trong bối cảnh đặc trưng như vậy, ông có tư vấn giải pháp gì để giúp bà con có được những sản phẩm có chất lượng và thương hiệu, tạo sức cạnh tranh công bằng?
Nhìn ra thế giới có thể thấy như Thái Lan – họ đã tính đến và áp dụng việc làm nông nghiệp hữu cơ 30 năm nay và họ cũng có một chương trình tương tự như OCOP của Việt Nam được triển khai trong 10 năm nay tên là Mỗi làng một sản phẩm (OTOP). Các chương trình này đã giúp Thái Lan phát triển tốt các sản phẩm nông nghiệp.
Họ làm thành công là do họ chuẩn bị tốt cho khâu đầu vào và đầu ra, chủ động tài chính và từ chính quyền tham gia đều định hướng quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bắt tay ký hợp đồng dài hạn với người dân nên có thể chủ động đầu vào đầu ra, kiểm soát được chất lượng sản phẩm và dễ dàng xây dựng được thương hiệu.
Về thổ nhưỡng, Việt Nam có nhiều lợi thế để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đặc sản. Do đó, bà con cần tập trung sâu vào lợi thế này. Chúng ta làm thương hiệu và cần tự tin với sản phẩm nội địa. Đồng thời cần có sự hỗ trợ kịp thời cho bà con về đầu ra, về chuỗi liên kết để bà con yên tâm sản xuất ra sản phẩm chất lượng.
Xin cảm ơn ông!