Giải “bài toán” chất lượng lao động
Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề làm cho lao động Việt Nam khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế tăng cao, song nguồn cung lao động hiện vẫn chưa đủ cầu; tình trạng chênh lệch cung - cầu lao động rất lớn. Đặc biệt, số lao động chưa qua đào tạo chiếm phần lớn và có tới 75% lao động chưa có chứng chỉ, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này được chỉ ra là do giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới.
Đào tạo là một trong các giải pháp để cải thiện chất lượng lao động |
Có thể thấy, chính “nút thắt” chất lượng lao động đang đặt ra thách thức rất lớn khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam phải tuân thủ các "luật chơi" chung. Đồng thời, các tiêu chuẩn lao động cuộc Cách mạng 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới, cùng với đó Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực, các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Tuy nhiên, nếu nguồn lực chất lượng cao không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.
Để giải “bài toán” chất lượng cho thị trường lao động, một trong những giải pháp trọng tâm được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đó là, đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối…
Cùng với cơ quan quản lý, mỗi doanh nghiệp cần tự cải thiện nguồn lực về lao động để không bị mất thế cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, đặc biệt là không để tuột mất cơ hội thị trường nhờ các FTA. Theo báo cáo mới đây của Trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát, hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm. Vì thế, để ứng phó trước khó khăn về tuyển dụng nhân lực đáp ứng được yêu cầu, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài, cũng như hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới cho nhân lực hiện có.
Theo ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vấn đề thiếu hụt lớn lao động, chất lượng lao động thấp… sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Vì vậy, nhằm giải bài toán nhân lực, sớm phục hồi thị trường lao động, cần có giải pháp lớn của Chính phủ. Về dài hạn, phải thực hiện thành công mô hình kết nối nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế.
Để phát triển thị trường lao động, cần đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, đứt gãy lao động nhằm phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Để phát triển thị trường lao động, cần đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, đứt gãy lao động nhằm phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. |