Đại dịch Covid-19 đang tác động bao trùm nền kinh tế toàn cầu nói chung, và kinh tế Việt Nam không ngoại lệ. Theo ông, sau đại dịch đâu là những thách thức mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp phải, đặc biệt là những DNVVN?
Tôi cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay từ góc độ logistics chính là chuỗi cung ứng hiện đang gặp gián đoạn. Hàng hóa lưu kho bị chậm trễ và thiếu hụt do tình trạng đóng cửa biên giới cũng như việc cắt giảm lượt vận chuyển khiến các DN phải cấp tốc tìm nguồn cung ứng thay thế và những giải pháp khác để vận chuyển hàng hóa. Có đến 83% số công ty trong chuỗi giá trị vật chất tại Việt Nam đã gặp phải vấn đề về nguồn cung do tác động của đại dịch. Điều này không nằm ngoài dự đoán vì cả ba đối tác kinh doanh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã chịu ảnh hưởng của đại dịch ở các mức độ khác nhau.
Ông Russell Reed - Giám đốc điều hành UPS Việt Nam & Thái Lan |
Lệnh đóng cửa đất nước, giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển cũng gây ra tác động không nhỏ đối với ngành bán lẻ truyền thống. Nhiều DN đã phải nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao đột biến trên các sàn thương mại điện tử và những thách thức logistics trong quy trình quản lý việc phân phối hàng hóa đang gặp gián đoạn.
Trong lúc giúp đỡ các DN vượt qua tác động của đại dịch, chúng tôi cũng nhận thấy những thay đổi tích cực trong cách vận hành của những DNNVV tại Việt Nam. Từ việc thay đổi mô hình kinh doanh đến việc tiếp nhận các tài nguyên công nghệ tiên tiến mới, DNNVV thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế đất nước trước những thách thức trong tương lai. Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy chính phủ Việt Nam đang có những chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế đất nước như hình thức gói ưu đãi khắc phục hậu quả dịch Covid-19 lên đến 2,6 tỷ đô la Mỹ đang được triển khai
Vậy theo ông, quá trình khôi phục kinh tế của DN Việt Nam thời kỳ sau đại dịch sẽ diễn ra như thế nào?
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi để giành “phần thắng” khi nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục. Nhiều DN Việt đã tận dụng cơ hội này để thực hiện “kiểm tra sức khỏe” nhằm nâng cao khả năng ứng phó trong tương lai về cách thức vận hành DN, nguồn nhân lực, quản lý dòng tiền và xây dựng chiến lược thị trường. Tôi tin những nỗ lực phục hồi kinh tế và kết quả đạt được trong tương lai sẽ phản ảnh rõ điều này.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng được xem là một điểm nhấn phục hồi kinh tế mang ý nghĩa lâu dài vì hiện đang có nhiều công ty không còn phụ thuộc vào một quốc gia hoặc một nguồn cung cố định. Trên thực tế, quá trình chuyển đổi chuỗi cung ứng đa dạng hóa này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu trọng yếu của FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định EVFTA. Các DN nếu biết tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTA này sẽ thu lợi không chỉ từ những chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi cao, mà còn từ cơ hội mở ra cho DN Việt tiếp cận các thị trường từng ký kết Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, để nhập khẩu nguyên vật liệu thô với mức ưu đãi.
Thưa ông, với việc Hiệp định EVFTA sẽ đi vào hiệu lực trong năm nay, cơ hội mới nào đang mở ra cho các DN tại Việt Nam, cũng như khả năng mà Hiệp định có thể bù đắp những tác động do dịch COVID-19 gây ra?
Hiệp định EVFTA sẽ mang tới cơ hội phục hồi cho kim ngạch xuất khẩu. Bởi lẽ khi có hiệu lực, hiệp định EVFTA sẽ ngay lập tức xóa bỏ 70% thuế quan đối với hàng xuất khẩu sang EU và 65% thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ EU. Từ đó, nhà đầu tư nước ngoài có thêm động lực đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi cung ứng Việt Nam. Chúng tôi hiện đang nhận thấy một vài động thái dịch chuyển này trong ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, đặc biệt đối với các mặt hàng điện tử và đồ điện gia dụng.
Đi đôi với EVFTA là một số tiêu chuẩn liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, biện pháp khắc phục thương mại, các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm và kỹ thuật. Tuy khắt khe nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển lâu dài trên phương diện toàn cầu.
Chưa hết, Hiệp định EVFTA còn giúp Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nước thành viên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu, kết nối với 26 quốc gia; trong đó có các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Bên cạnh đó, nếu áp dụng quy tắc xuất xứ theo Hiệp định, hàng hóa Việt Nam dù được sản xuất từ nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các quốc gia nêu trên vẫn sẽ đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế. Điều này mở ra thêm nhiều cơ hội giúp các DN Việt đa dạng hóa và tăng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, đặc biệt trong bối cảnh hàng rào thuế quan đang ngày một khắt khe và chuỗi cung ứng còn gặp nhiều gián đoạn.
Tất cả những cơ hội này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế đất nước tại thời điểm biến động như hiện nay.
Ông có thể chia sẻ những biện pháp hỗ trợ mà UPS Việt Nam đã áp dụng, hoặc dự định sẽ áp dụng nhằm giúp đỡ các DN Việt trong quá trình hiệp định EVFTA đang được triển khai?
Với mạng lưới logistics rộng khắp 56 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Âu, UPS có đầy đủ kinh nghiệm và giải pháp để hỗ trợ các DN Việt vận chuyển hàng hóa sang các nước tại khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh hiệp định EVFTA sắp đi vào hiệu lực.
Tại Việt Nam, UPS đã tăng cường và cải tiến cách tổ chức hoạt động nhằm cải thiện khả năng kết nối quốc gia với EU, bao gồm việc rút ngắn thời gian vận chuyển trên 2.300 lộ trình thương mại và đẩy nhanh tốc độ vận chuyển các chuyến hàng đến châu Âu xuống chỉ còn 4 ngày. Với mạng lưới vận chuyển liên tục được cải thiện và dịch vụ hỗ trợ thủ tục giấy tờ, UPS mong muốn có thể hỗ trợ các DN Việt tập trung phát triển kinh doanh, tận dụng quy mô Hiệp định EVFTA hiệu quả nhất và phát triển mạnh mẽ từ khu vực đến toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!