Cửa Lò đang nỗ lực phát triển xứng đáng là đô thị du lịch biển |
Lấy du lịch là trọng tâm phát triển
Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của du lịch Nghệ An, du lịch biển Cửa Lò đã chuyển biến ngày càng mạnh mẽ cả về lượng và chất. Từ một làng chài ven biển nghèo, hoang sơ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, dịch vụ lưu trú chỉ có 19 khách sạn, nhà nghỉ với 600 phòng, doanh thu đạt 19,4 tỷ đồng vào năm 1995. Thế nhưng, sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Cửa Lò đã có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch khá đồng bộ, toàn thị xã có 270 cơ sở lưu trú (26 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 – 4 sao có thể đáp ứng tổ chức các sự kiện quốc gia). Trung bình mỗi năm du lịch Cửa Lò đón 2,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch đạt 1.730 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2014, thị xã Cửa Lò được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Đô thị du lịch biển đầu tiên trên cả nước, Đảng bộ và nhân dân Cửa Lò được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất. Để đạt được thành quả đó, thị xã Cửa Lò luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh doanh tổng hợp liên quan và tác động trực tiếp, gián tiếp đến nhiều ngành, nghề khác nhau. Vì vậy, ngoài việc đầu tư, thu hút đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm, tour, tuyến cũng như mở rộng hợp tác, quảng bá và nâng cao nếp sống văn hóa cho người dân thì việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch hết sức cấp thiết, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp để quản lý và bảo đảm du lịch phát triển đúng định hướng, tạo nên sự phát triển bền vững, hiệu quả trong kinh doanh du lịch với phương châm: “kiên quyết, triệt để, liên tục và thường xuyên suốt cả năm du lịch”.
Năm 2015, thị xã Cửa Lò được xác định là 1 trong 2 trung tâm kinh tế của Nghệ An, đồng thời được Chính phủ công nhận đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước, đường quốc lộ 1A qua địa bàn Nghệ An hoàn thành, sân bay Vinh nâng cấp thành sân bay quốc tế và khánh thành nhà ga mới với quy mô 2,5 triệu hành khách/năm... Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch (nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi giải trí…) khang trang, hiện đại, đạt tiêu chuẩn; các dự án vui chơi giải trí trên đảo Lan châu, đảo Song Ngư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, các loại hình du thuyền ra đảo Ngư, chùa Song Ngư linh thiêng, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, nghe hát dân ca ví, giặm tại lâm viên bãi tắm, cùng thưởng thức các hải sản tươi ngon, chắc chắn sẽ là điểm du lịch lý tưởng. Đây chính là cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế thị xã theo hướng du lịch dịch vụ.
Nhiều giải pháp đồng bộ:
Năm 2015 với chủ đề: Du lịch Cửa Lò – Kỷ cương – Thương hiệu, Cửa Lò đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, thị xã đã kịp thời triển khai ban hành các văn bản chỉ đạo, các chủ trương mới trong năm du lịch 2015 cũng như định hướng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các hội nghị đối thoại với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn để đưa ra các giải pháp quản lý du lịch, dịch vụ, tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế phù hợp và sự đồng thuận trong quản lý nhà nước với những đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch.
Để du lịch Cửa Lò ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là đô thị du lịch biển đầu tiên trong cả nước, Cửa Lò cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động quần chúng, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phấn đấu năm 2015 thật sự là “Du lịch Cửa Lò - Kỷ cương - Thương hiệu”. |
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, không để xảy ra các điểm nóng, bức xúc trong nhân dân và du khách. Thành lập đoàn kiểm tra, phân công, phân cấp rõ người, rõ việc gắn với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ du lịch, chủ trương “5 không” và các chủ trương mới của thị xã.
Tập trung quản lý giá cả dịch vụ, quy hoạch và quản lý chặt các dịch vụ phục vụ du khách như mô tô nước, xe điện 4 bánh bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách. Từ năm 2015, thị xã Cửa Lò kiên quyết chấm dứt việc xây dựng mới ki-ốt kinh doanh ở phía đông đường Bình Minh để tập trung quy hoạch xây dựng thành các cụm ki-ốt, khu dịch vụ ẩm thực mới, hiện đại, đồng thời bố trí không gian để trồng cây xanh, xây dựng khu vui chơi giải trí. Dịch vụ mô tô nước quy hoạch về một vùng hoạt động theo chủ trương của tỉnh và thành lập tổ quản lý; ôtô điện triển khai đúng số lượng Chính phủ cho phép hoạt động.
Bên cạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu du lịch Cửa Lò cũng được chú trọng bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá những sản phẩm du lịch đã có và đầu tư xây dựng sản phẩm mới có sức hấp dẫn, chất lượng cao, mang tính đặc trưng vùng miền. Khôi phục và xây dựng mới các làng nghề, nhân rộng mô hình trồng hoa tươi, cá thu nướng, mực khô ép Cửa Lò và kết nối đưa sản phẩm ở TP. Vinh, huyện Nam Đàn tạo sự đa dạng của sản phẩm để phục vụ du khách... Nâng cao nhận thức, văn hóa giao tiếp, ứng xử nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng trong đời sống của các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư. Mở rộng hợp tác liên kết với các đô thị trong cả nước và khu vực Đông Nam Á theo hành lang kinh tế Đông - Tây đang là những đột phá trong khai thác du lịch và phá thế du lịch thời vụ.