Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3. Theo báo cáo tại hội nghị, thiệt hại do cơn bão số 3 tại tỉnh là vô cùng nghiêm trọng, chiếm một nửa tổng thiệt hại trên cả nước. Cơn bão đã khiến 29 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương, 4 người mất tích, tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng.
Thành phố Hạ Long đặc biệt thiệt hại nặng nề, khi hàng loạt các khách sạn 4-5 sao ở trong tình trạng vỡ kính; hỏng trần, đồ đạc; cũng như hệ thống điện, điều hòa, nước bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, sau cơn bão, một lượng chất thải, rác thải trên biển đã trôi dạt phủ kín mặt vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các bãi tắm trên địa bàn đã không chỉ ảnh hưởng đến việc khôi phục hoạt động du lịch…
Một góc khu du lịch Bãi Cháy (thành phố Hạ Long) tan hoang sau bão. Ảnh: Thanh Niên. |
Thế nhưng, chỉ đúng 1 tháng sau, vào ngày 21/10, tỉnh Quảng Ninh đã đón vị khách quốc tế thứ 3 triệu tại chính thành phố Hạ Long. Hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh cũng đã quay trở lại bình thường. Thậm chí, chỉ tiêng trong tháng 10, tổng doanh thu từ du lịch tại Quảng Ninh đã đạt trên 40.100 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây không chỉ là mốc son mới, đánh đấu sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch Quảng Ninh, không chỉ sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, mà còn sau đại dịch Covid-19. Sự kiện trên cũng đánh dấu sự thành công trong việc đạt được kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 20-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, phải kể đến nỗ lực mạnh mẽ của các địa phương, sở, ngành, đơn vị trong việc dọn dẹp cảnh quan, môi trường tại các khu vực biển, khu du lịch; quan tâm công tác đảm bảo môi trường du lịch, phát triển các sản phẩm mới thu hút khách.
Trong đó, vai trò của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh là đặc biệt quan trọng. Với thông điệp: “Quảng Ninh - phục hồi thần tốc sau bão, tiếp tục là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách”, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, hoạt động du lịch của tỉnh, không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước, mà còn khuyến khích chính người dân Quảng Ninh trải nghiệm du lịch tại quê hương mình.
Thị trường khách quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong mùa du lịch 2024-2025, lượng đặt tour đến Hạ Long từ hai thị trường này tăng đáng kể, tiệm cận mức cao điểm trước đại dịch. Đáng chú ý, một số địa phương của Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát hoạt động lữ hành đưa khách Trung Quốc sang Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hứa hẹn đón dòng khách trở lại.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại Ấn Độ và khu vực ASEAN. Những tháng gần đây, lượng khách từ Ấn Độ, Philippines, Malaysia… tăng mạnh, với nhiều đoàn khách cao cấp, có mức chi tiêu lớn. Dự báo, các thị trường này sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy du lịch Quảng Ninh phát triển.
Du khách tàu biển chuẩn bị tham quan tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTTT. |
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên, trong thời gian tới, ngành du lịch Quảng Ninh vẫn còn nhiều thách thức. Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, dịp cuối năm là mùa thấp điểm của thị trường khách nội địa. Trong khi đó, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều khó khăn nhất định, đặc biệt là lượng khách đến từ các khu vực Đông Âu, Trung Đông vẫn còn hạn chế do tình hình chiến tranh. Vì thế, hiện ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, kết nối với các thị trường toàn cầu.
Tiêu biểu trong các hoạt động trên là sự tăng cường thúc đẩy tuyến du lịch biển mới, bao gồm các tuyến Quảng Châu (Trung Quốc) - Hạ Long, và Hồng Kông (Trung Quốc) - Hạ Long. Đặc biệt, tuyến Bắc Hải - Hạ Long đang được đẩy nhanh, dự kiến khai thông và đón chuyến đầu tiên đến TP. Hạ Long cuối năm 2024.
Đồng thời, ngành du lịch Hạ Long cũng đang tích cực làm mới mình bằng các sản phẩm trải nghiệm khác biệt. Tỉnh sẽ sớm đưa vào khai thác 3 bãi tắm Soi Sim, Hang Cỏ, Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long; tổ chức sản phẩm biểu diễn nghệ thuật kết hợp tiệc nhẹ trong một số hang động đủ điều kiện trên Vịnh; xác định 7 khu vực đảo hoang sơ và bãi tắm dành cho phân khúc khách tỷ phú, siêu sang thuộc 1% dân số thế giới.
Về lâu dài, để quảng bá cho điểm đến Quảng Ninh và thu hút khách du lịch trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch như: Đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí của Trung Quốc, Ấn Độ đến để khảo sát, kết nối du lịch Quảng Ninh và hỗ trợ tổ chức chương trình farmtrip Bình Liêu cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng dự định tổ chức chương trình xúc tiến du lịch tại các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố của Hải Dương, 9 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng các sự kiện, xây dựng các sản phẩm du lịch mới; xây dựng các gói sản phẩm trải nghiệm trọn gói kết nối các điểm đến, địa phương trọng điểm du lịch của tỉnh… Tất cả nhằm triển khai các giải pháp đảm bảo khả thi, hiệu quả với nỗ lực cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Hạnh cũng hy vọng, với những chuyển động tích cực trên, Quảng Ninh sẽ trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với du khách quốc tế, góp sức hiện thực hóa mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, du lịch Quảng Ninh sẽ ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia.