Đắk Nông: Bay dù lượn ngắm Tà Đùng từ trên cao Hà Nội cho phép kinh doanh bay dù lượn, sân tập golf trên mặt nước Hồ Tây |
Gần đây, hoạt động kinh doanh dịch vụ bay dù lượn xuất hiện tại nhiều địa phương, thậm chí, hoạt động bay dù lượn đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút người dân và du khách tham gia trải nghiệm như du lịch dù lượn tại Yên Bái, Nha Trang, Đà Nẵng…
Để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc, đưa dù lượn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn hoạt động này phải được công ty có đủ điều kiện tổ chức và được cơ quan chức năng cấp phép. Ảnh: Công ty Lữ hành Tâm Phát |
Nhờ lợi thế địa hình nhiều đồi núi, hiện Việt Nam có nhiều địa điểm thích hợp cho hoạt động bay dù lượn trải dài từ Nam ra Bắc. Một số địa điểm bay dù lượn hút khách phải kể tới như: Đồi Bù (Chương Mỹ, Hà Nội) – một địa điểm bay dù quen thuộc, nổi tiếng ở khu vực phía bắc. Tại Đà Nẵng, đỉnh núi bán đảo Sơn Trà là nơi được nhiều du khách lựa chọn bay dù lượn chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Đà Nẵng.
Nha Trang có điểm bay nổi tiếng tại Hòn Én, Quảng Ngãi có điểm bay Núi Thới Lới. Từ đỉnh núi Thới Lới, người chơi sẽ xuất phát từ độ cao 170m so với mực nước biển. Ngoài ra còn một số địa điểm chơi dù lượn phổ biến ở Tri Tôn (An Giang), Hòn Hồng (Mũi Né), đỉnh đèo Khau Phạ (Yên Bái), Mường Lay (Điện Biên)…
Tại Đà Nẵng, thời điểm lý tưởng nhất để trải nghiệm dù lượn là mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Lúc này thời tiết dễ chịu, mát mẻ, ít sương mù và có nắng đẹp, thích hợp với những hoạt động vui chơi ngoài trời như dù lượn. Còn tại miền Bắc, thời điểm lý tưởng nhất để trải nghiệm dù lượn là vào mùa thu - đông (từ cuối tháng 9 - tháng 12) khi thời tiết ôn hòa, mát mẻ, ít mưa.
Hiện, nhiều đơn vị đang khai thác dịch vụ đều đưa ra gói bay khác nhau cho du khách lựa chọn. Trong đó, gói bay thường giá khoảng 1.500.000 đồng/người, gói bay ngắm hoàng hôn hơn 2.500.000 đồng/người.
Bay dù lượn chính là hình thức bay tự do, cất cánh bằng chân, người chơi ngồi vào chiếc ghế được may bằng những dây đai bền, chắc bên dưới một cánh dù làm bằng vải, khi di chuyển không khí sẽ tràn vào các xoang dù để bơm căng cánh.
Bên cạnh đó phải có một "tinh thần thép", và có huấn luyện viên bay kèm, muốn chơi được môn thể thao này, đòi hỏi các “phi công” phải thực sự am hiểu nguyên tắc hoạt động của dù bay, nắm vững mọi kỹ năng, kỹ thuật, cách thức xử lý khi cần. Ngoài ra, người tham gia được khuyến cáo phải đảm bảo sức khỏe tốt, không bị các bệnh tim mạch, huyết áp, sẵn sàng đối phó với những sự cố bất ngờ có thể xảy ra khi xuất phát và cả trên bầu trời.
Là bộ môn mạo hiểm và khá tốn kém, xong người chơi lại được trải nghiệm cảm giác tự do bay lượn giữa bầu trời, thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên từ trên cao mà ít hoạt động du lịch khác có được. Vì thế, bay dù lượn ngày càng hút khách. Do nhu cầu lớn, nhiều địa phương cũng đặc biệt quan tâm, đầu tư phát triển nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thêm các trải nghiệm và tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.
Theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, bay dù lượn thuộc sản phẩm du lịch “mạo hiểm”. Vì vậy, khi đăng ký thử sức với hoạt động này, du khách sẽ bay cùng một huấn luyện viên có kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ các biện pháp an toàn, được hướng dẫn như chạy xuất phát, hít thở, cách đáp đất…
Tuy nhiên, dù thực hiện các quy định nghiêm ngặt, xong bay dù lượn đã xảy ra không ít sự cố đáng tiếc, nhất là có nhiều trường hợp nhảy dù bị vướng vào lưới điện. Trước đó ngày 20/10, trên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Quang Tiến, tỉnh Hoà Bình xảy ra vụ việc một vận động viên nhảy dù trong quá trình tiếp đất đã bị mắc vào đường dây điện 35kV. Vì sự cố này, cả xã Quang Tiến phải cắt điện để giải cứu vận động viên bị mắc kẹt.
Và mới đây (ngày 10/11) một người đàn ông nhảy dù trên địa phận xã Nam Phương Tiến (Hà Nội) bị mắc kẹt trên đường dây điện 110kV. Theo Xí nghiệp Lưới điện cao thế Hoà Bình, việc vi phạm vướng vào đường dây 110kV của đội bay dù lượn đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc cấp điện và an toàn vận hành lưới điện, làm mất trật tự an ninh trên địa bàn.
Du lịch thể thao thời gian qua đã thu hút được lượng lớn du khách tới các địa phương và tạo ra những đóng góp tích cực với doanh thu toàn ngành. Đến nay, sản phẩm này được đánh giá là giải pháp tối ưu để khắc phục tính mùa vụ của du lịch, cũng như đóng vai trò là kênh xúc tiến, quảng bá điểm đến hữu hiệu cho các địa phương. Vì vậy, để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc, để đưa dù lượn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn hoạt động này phải được công ty có đủ điều kiện tổ chức và được cơ quan chức năng cấp phép.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cấp phép hoạt động dịch vụ cần quản lý, giám sát chặt chẽ; các đơn vị tổ chức chương trình phải thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BVHTTD của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về điều kiện hoạt động của cơ sơ thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ.
Theo quy định, cơ sở thể thao tổ chức tập luyện và thi đấu dù lượn không có động cơ phải được trang bị các thiết bị an toàn cần thiết; có kế hoạch nêu rõ các phương án đảm bảo an toàn, tìm kiếm và cứu nạn trong vùng hoạt động bay thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở và phải thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch. Đồng thời, phải phổ biến và hướng dẫn cho những người tham gia nắm rõ về cách thức liên lạc và trình tự các bước tìm kiếm, cứu nạn.