Du lịch Lâm Đồng tiếp tục vững đà tăng trưởng Lâm Đồng: Kích cầu du lịch thông qua Tuần lễ vàng Du lịch năm 2024 Du lịch Lâm Đồng tăng tốc, đón hơn 5 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024 |
Du lịch, di sản kiến trúc ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tuy đã được đề cập nhiều trong thời gian qua, nhưng mới chỉ dừng lại ở mặt tiềm năng hoặc phát động nhưng chưa thực sự phát triển hoàn thiện và thuyết phục cao.
Dinh I Đà Lạt mang đậm kiến trúc Pháp, nhưng hiện nay đang dừng khai thác đón khách du lịch gây lãng phí rất lớn. Ảnh: Lê Sơn |
Trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư Trần Đức Lộc - nhà nghiên cứu đầy tâm huyết về kiến trúc Đà Lạt - cho biết, ông đã đưa nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, hướng dẫn viên du lịch trải nghiệm những công trình kiến trúc di sản của Đà Lạt. Sau trao đổi, họ cũng rất thích thú với lĩnh vực này. Nhìn lại câu chuyện của Đà Lạt hiện nay về mặt định hướng quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch là một thành phố du lịch quốc gia có tầm ảnh hưởng quốc tế, là đô thị có đặc trưng về di sản văn hóa, trong đó có kiến trúc 130 năm hình thành và phát triển Đà Lạt chúng ta đã thừa hưởng được những vốn quý về di sản kiến trúc Pháp mang lại một cái dấu ấn văn hóa phương Tây.
Bên cạnh đó, vẫn có sự tôn trọng, chấp nhận điểm xiết các công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa Việt và văn hóa bản địa Tây Nguyên như một số đình chùa như chùa Linh Sơn, nhà thờ Cam Ly, chợ Đà Lạt, Dinh Bảo Đại...
Nhiều ý kiến cho rằng, TP. Đà Lạt đang có những kiến trúc từ biệt thự, dinh thự, các công trình dấu ấn… rất đáng quý. Nhưng dường như, việc tổ chức khai thác thành tour du lịch chuyên biệt thì vẫn còn có những hạn chế, lúng túng, chưa khai thác hết tiềm năng vốn có và đâu đó còn để sự lãng phí quá lớn.
Về vấn đề này, kiến trúc sư Trần Đức Lộc cho rằng, với quỹ di sản kiến trúc từ thời Pháp thuộc cũng như trước năm 1975 và sau 1975, tại sao chúng ta không hình thành được các tour du lịch này? Có thể thấy rằng, trong các tour du lịch được rao bán, vẫn có những công trình kiến trúc Đà Lạt được đan xen nhưng mục tiêu lại không chủ đích để giới thiệu những công trình này mà cái chính là tham quan mua sắm. “Chúng ta thử làm một chuyến trải nghiệm thực tế một số công trình mà chúng ta cho rằng đó là di sản kiến trúc của Đà Lạt. Rõ ràng tôi thấy, trước hết, hạn chế về nội quy ra vào ở nơi này, rào cản bảo vệ rồi giá vé, bán vé vào cửa nhưng lại không mang lại cái giá trị cho dịch vụ du lịch” - Kiến trúc sư Trần Đức Lộc chia sẻ.
Đồng thời, thiếu các nội dung thuyết minh, thiếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, thiếu các tư liệu, hình ảnh trực quan cho khách tham quan đến những công trình này. Một điều rất nghịch lý là những người, cơ quan, tổ chức có những công trình kiến trúc này tổ chức việc chào bán, mua sắm trong công trình di sản tự phát.
Hiện nay, nhu cầu của tour du lịch di sản kiến trúc là điều có thực, nhất là với du khách nước ngoài và giới học thuật, bao gồm cả sinh viên, học sinh. Nhưng phải chăng, các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng chưa thực sự thống nhất trong trường hợp cụ thể này.
Những công trình di sản văn hóa và kiến trúc có giá trị tiêu biểu đó được các cơ quan đang làm chủ quản, xem như đây là một tài sản riêng, một bất động sản của cơ quan mình, cho nên việc tham quan rất là hạn chế, việc thuyết minh không được quan tâm. Ngược lại, Nhà nước có rất nhiều chính sách về phát triển du lịch, trong đó, chú trọng đến khách du lịch, di sản văn hóa và kiến trúc công trình nhưng đối với Đà Lạt, chưa có gì rõ nét. Đặc biệt, cần phải có những chính sách hợp đồng với các cơ quan du lịch chuyên nghiệp để cùng nhau khai thác.
“Tôi nghĩ rằng, nhìn ra được các nguyên nhân đó, chúng ta sẽ hình thành được các giải pháp rõ ràng như mong muốn, kỳ vọng. Trên cơ sở nhu cầu có thực nhưng chúng ta lại không có một động thái cụ thể để trả lời được câu hỏi vì sao chưa hình thành được các tour, tuyến này.” - Kiến trúc sư Trần Đức Lộc bày tỏ.
Trường Cao đẳng Đà Lạt. Ảnh: CTV |
Bên cạnh đó, kiến trúc sư Trần Đức Lộc đã “hiến kế”, tỉnh Lâm Đồng nên thành lập một nhóm khảo sát thực tế với nhiều thành phần, trong đó, có các nhà quản lý, nhà làm du lịch, nhà báo, kiến trúc sư, quản lý đô thị... để trải nghiệm thực tế xem ở đó nó có những vấn đề gì hạn chế, thách thức trước khi tìm ra những cơ hội phát triển. Làm thế nào để qua chuyến khảo sát đó, chúng ta ngồi lại với nhau, thống nhất, phân tích, nhận định một cách khoa học trên cơ sở pháp lý...
Về góc độ cá nhân, kiến trúc sư Trần Đức Lộc cho rằng, cần phải có các công việc mang tính dài hơi.
Thứ nhất, tỉnh Lâm Đồng phải xác định chủ thể làm du lịch, kiến trúc, di sản Đà Lạt. Chắc chắn, đó là cơ quan chức năng như văn hóa, du lịch, đô thị và chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức làm lữ hành, du lịch, đặc biệt là các cơ quan đang quản lý những công trình mà chúng ta đang đề cập đến. Sau đó, mời các cơ quan ngôn luận, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để cùng tham gia thảo luận vấn đề này.
Thứ hai, chúng ta phải làm công việc khảo sát nhu cầu, đặc biệt đối với đối tượng khách quốc tế. Bởi vì, nếu chúng ta không nghiên cứu đến nhu cầu của khách quốc tế, chất lượng du lịch quốc tế, không thể thỏa mãn được nhu cầu hiện nay ngành du lịch đang mong muốn, đó là du lịch Lâm Đồng vươn tới tầm cao quốc tế.
Thứ ba, phải xác định các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, bền vững cho vấn đề du lịch, chuyên đề về trải nghiệm di sản kiến trúc Đà Lạt.
Thứ tư, thiết kế một chương trình tour, tuyến, cụm, điểm hoàn chỉnh, đầy đủ theo những thời gian của lộ trình tour một ngày thì đi những đâu, tour hai ngày thì đi những đâu và từng mùa thì đi đến công trình nào…
Thứ năm, cần phải có tập hợp tư liệu, mời các chuyên gia cộng tác biên soạn để ra được bộ thuyết minh đầy đủ, chuẩn xác về các công trình di sản văn hóa và công trình có giá trị tiêu biểu đối với tour mong muốn về Đà Lạt.
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng phải nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý để có được bộ sưu tập công nhận công trình di sản văn hóa và kiến trúc có giá trị tiêu biểu theo đúng Luật Di sản văn hóa và Luật Kiến trúc.