Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến 5.300 người lao động tại Đồng Tháp mất việc làm, 11.000 người phải nghỉ việc không lương. Từ một địa phương dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu lao động, toàn tỉnh mới đưa được 724 người đi lao động theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài từ đầu năm và còn đến hơn 1.400 trường hợp đang chờ xuất cảnh.
Trước tình trạng đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động để đảm bảo an sinh xã hội cũng như phục hồi và phát triển kinh tế tại địa phương.
Trước hết, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh kịp thời giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp cho những trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng theo quy định của Nhà nước, hướng dẫn cụ thể về các giấy tờ và giải đáp những vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
Các phiên giao dịch việc làm định kỳ được tái khởi động sau thời gian phải tạm hoãn nhằm đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch, gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động nói chung và lao động thất nghiệp nói riêng. Trung tâm đã tiến hành điều tra nhu cầu lao động theo các ngành nghề, trình độ chuyên môn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, kịp thời cung cấp, tư vấn cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Đồng thời, từ những kết quả điều tra, đội ngũ chuyên trách của Trung tâm phân tích và đưa ra dự báo xu hướng của thị trường lao động. Những thông tin hữu ích về lao động, việc làm được cập nhật trên nhiều kênh đa dạng như: website, trang facebook, các phiên giao dịch trực tiếp… Công tác tuyên truyền, tư vấn được tăng cường để từng bước thay đổi nhận thức của lực lượng lao động và người dân tại địa phương, khuyến khích tích cực tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Các chương trình của TTDVVL Đồng Tháp hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động và ổn định cuộc sống |
Các chính sách tín dụng đã hỗ trợ tốt cho các mô hình khởi nghiệp tại địa phương, tận dụng được những sản phẩm lợi thế của tỉnh như lá sen, ớt ngào… mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động.
Cùng với đó, công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ người lao động được xác định là tiền đề cơ bản để tăng cơ hội việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp với các cơ quan liên quan và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các khoá đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn phù hợp với đặc thù của từng khu vực, tập trung vào các ngành nghề: chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ từ lục bình, bẹ chuối... Các cơ sở dạy nghề thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường sử dụng lao động trước khi xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo cho người lao động để cung ứng kịp thời nguồn lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Các giải pháp này góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động nắm bắt được khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Bên cạnh các biện pháp giải quyết việc làm tại chỗ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu lao động, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực dồi dào của địa phương. Các hình thức truyền thông được tăng cường, tuyên truyền bằng người thật, việc thật để phổ biến sâu rộng đến người dân địa phương, đặc biệt là các đối tượng sinh viên, bộ đội xuất ngũ, những người mất việc sau dịch… Mục đích là để người lao động nắm được ý nghĩa thiết thực của xuất khẩu lao động đối với công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Trong khi đó, Trung tâm phối hợp với các đơn vị uy tín trong lĩnh vực này để tuyển chọn lao động và tổ chức đào tạo ngoại ngữ, văn hoá, kỹ năng nghề nghiệp… cho các lao động đủ điều kiện đi làm việc tại nước ngoài.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tiếp tục cử cán bộ theo học các khoá bồi dưỡng do Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức để nâng cao trình độ, nghiệp vụ; cùng với đó tăng cường công tác phối hợp với các ban ngành, các đơn vị liên quan để thực hiện chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, kịp thời cung ứng lao động phục vụ phát triển kinh tế.