Đảm bảo việc làm bền vững Giảm nghèo đa chiều thông qua đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm bền vững |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ...
Nỗ lực vượt qua thách thức
Sáng ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm qua toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nổi bật như: Thị trường lao động tiếp tục khởi sắc, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng.
Sáng ngày 27/12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức thấp, dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, tăng 4,5 điểm phần trăm so với năm 2020, đạt mục tiêu Quốc hội giao; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể.
Số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ước tính năm 2024 đã đưa được khoảng 150.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 120% kế hoạch. Hiện nay có gần 700 nghìn người lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về nước 3,5 - 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp cũng được thực hiện tốt. Nhờ đó, năm qua tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cơ bản giữ được sự hài hòa, ổn định; hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất, số cuộc đình công giảm (năm 2024, cả nước xảy ra 49 cuộc đình công, giảm so với những năm trước); thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.
Ngoài ra, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ.
Đáng chú ý, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện tốt, đời sống người có công và thân nhân không ngừng được nâng lên… Hiện, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay.
Đến hết năm 2024 đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.066.632 người có công với cách mạng với kinh phí khoảng hơn 23.000 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều hoạt động tri ân anh hùng, liệt sĩ, người có công người có công với cách mạng và thân nhân diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả trên cả nước.
Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục như: Thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; thị trường lao động phát triển chưa bền vững; chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm…
Vì vậy, giải pháp được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra, như: Bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức.
Ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao; tăng cường công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp…
Đối với các lĩnh vực xã hội: Tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững. Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 111 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị chia sẻ xúc động khi lần cuối phát biểu với tư cách là cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Và tự sâu thẳm trong lòng đều mong mỏi mỗi đồng nghiệp của mình phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách, lòng nhân ái của những người làm công tác xã hội để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành 80 năm qua.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Tôi là là Bộ trưởng thứ 24 và chắc là Bộ trưởng sau cùng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong giai đoạn này. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, có những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình… Trong dòng chảy lịch sử đó có đóng góp rất quan trọng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn toàn có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp chặng đường tiếp theo".
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Với tất cả tinh thần đó, các nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội tiếp tục phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả, để thực hiện và hoàn thành thắng lợi mục tiêu Kế hoạch năm 2025 đã đề ra; đặc biệt là Nghị quyết số 158/20254/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Giai đoạn 2026 – 2030, định hướng phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiện đại, hiệu quả và bền vững; tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, từng bước thu hẹp số lao động trong khu vực phi chính thức và tăng cơ hội việc làm bền vững cho người lao động. |