Đồng Tháp: Phấn đấu mỗi làng nghề đều có sản phẩm dự thi sản phẩm OCOP
Ngày 23/1, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thông qua kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn năm 2024.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 1 nghề truyền thống, 22 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống (gọi chung là các làng nghề) đã được công nhận.
Sản phẩm lờ, lợp thu nhỏ phục vụ khách du lịch được sản xuất trong làng nghề truyền thống của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. |
Trong các làng nghề có trên 4.620 cơ sở sản xuất kinh doanh với khoảng 14.900 lao động, sản phẩm tập trung chủ yếu vào các nhóm: Chế biến và bảo quản nông, lâm thuỷ sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của mỗi lao động trong các làng nghề khoảng 3,43 triệu đồng/tháng. Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất, khoảng 8 triệu đồng/người/tháng; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu nhập thấp nhất, khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng.
Từ khi được công nhận làng nghề vào năm 2022, sản phẩm của làng nghề hoa giấy ở xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) càng được khách hàng nhiều nơi biết đến. |
Tính đến cuối năm 2023, có 9 trong tổng số 41 làng nghề được công nhận có sản phẩm OCOPtừ 3 đến 4 sao.
Năm 2024, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục duy trì, nâng chất sản phẩm OCOP của các làng nghề đã được công nhận. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố của tỉnh có làng nghề đều có ít nhất 1 sản phẩm tham gia dự thi sản phẩm OCOP.