TP. Hồ Chí Minh: Áo cờ đỏ, sao vàng hút khách dịp lễ 30/4
Doanh số tăng mạnh, mẫu mã phong phú
Những ngày cuối tháng Tư, không khí chuẩn bị đón lễ 30/4 - ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - đang trở nên sôi động tại TP. Hồ Chí Minh. Trên khắp các tuyến đường lớn như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi, Lý Chính Thắng hay khu vực chợ Tân Bình, chợ Bà Chiểu, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tay xách từng túi áo thun đỏ sao vàng, háo hức chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm lễ lớn của dân tộc.
Tại nhiều sạp hàng, cửa tiệm, các mẫu áo thun in hình lá cờ Tổ quốc đang nằm ở vị trí nổi bật nhất, được trưng bày trang trọng, thu hút đông đảo người dân đến lựa chọn.
Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, áo thun cờ đỏ sao vàng năm nay bán rất chạy. |
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại chợ Tân Bình, lượng khách đổ về các quầy hàng chuyên bán áo thun đồng phục và trang phục sự kiện tăng đột biến so với những tuần trước. Người đến mua lẻ, người mua theo đoàn, phần lớn là các nhóm thanh niên, sinh viên, nhân viên văn phòng hoặc đại diện các tổ chức đoàn thể. Nhiều khách đặt số lượng lớn từ trước, tranh thủ lấy sớm để kịp mặc cho những buổi tổng duyệt văn nghệ, chương trình team building hay các hoạt động ngoài trời diễn ra dịp lễ.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, tiểu thương bán quần áo tại chợ Tân Bình cho biết: “Áo thun cờ đỏ năm nay bán rất chạy. Từ đầu tháng 4 đến nay, mỗi ngày sạp của tôi bán trung bình 400 chiếc. Có ngày cao điểm, khách đặt tới 500 - 600 cái. Chủ yếu là khách đoàn, trường học, công ty… chuẩn bị cho lễ 30/4 và 1/5. Họ mua về mặc diễn văn nghệ, du lịch hoặc đi diễu hành. So với năm ngoái, sức mua năm nay tăng khoảng 30%”.
Giá áo tương đối ổn định, phổ biến dao động từ 45.000 đến 90.000 đồng tùy chất liệu và kích cỡ. Những mẫu cao cấp hơn, có phối màu hoặc thiết kế đặc biệt như in thêm hình bản đồ Việt Nam, slogan cổ động hoặc logo riêng thì giá có thể lên đến 150.000 đồng mỗi chiếc. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, mẫu truyền thống - áo thun cotton đỏ, in ngôi sao vàng giữa ngực vẫn là sản phẩm bán chạy nhất, bởi phù hợp nhiều lứa tuổi, dễ phối và mang ý nghĩa biểu tượng rõ nét.
Không chỉ có áo thun cờ đỏ quen thuộc, năm nay nhiều mẫu thiết kế mới mẻ, sáng tạo cũng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình |
Không chỉ nhộn nhịp tại chợ, các nền tảng bán hàng trực tuyến cũng ghi nhận mức tiêu thụ tăng mạnh với mặt hàng áo thun cờ đỏ sao vàng. Trên các nền tảng thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok Shop…, các gian hàng bán áo thun đồng phục đều đẩy mạnh quảng bá mặt hàng này với mô tả gắn với tinh thần tự hào dân tộc, phục vụ sự kiện cộng đồng, chương trình lễ hội.
Một số shop online còn thiết kế riêng các mẫu cho gia đình, nhóm bạn thân hoặc lớp học với đa dạng kiểu dáng từ tay ngắn, tay dài đến form oversize năng động. Chỉ cần gõ từ khóa “áo cờ đỏ, sao vàng”, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng nghìn kết quả với mức giá, mẫu mã phong phú.
Thể hiện niềm tự hào dân tộc
Với nhiều người dân, mặc áo cờ đỏ dịp lễ không chỉ là một hành động mang tính phong trào, mà còn là cách thể hiện tình yêu nước giản dị nhưng sâu sắc.
Anh Trần Duy Phước, nhân viên văn phòng ngụ quận 3, cho biết: “Tôi và nhóm bạn thân có truyền thống đi du lịch mỗi dịp 30/4 - 1/5. Năm nào chúng tôi cũng mặc áo cờ đỏ, sao vàng khi đi. Cảm giác khi mặc áo có hình quốc kỳ vừa thân thuộc, vừa tạo nên sự gắn kết đặc biệt giữa mọi người”.
Áo cờ đỏ, sao vàng “gây sốt” khi được người dân lựa chọn mặc trong nhiều hoạt động kỷ niệm. Ảnh Minh Khuê |
Không chỉ người lớn, nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng tổ chức các hoạt động văn nghệ, dã ngoại kết hợp mặc áo đồng phục in hình lá cờ.
Chị Lê Hoàng My, giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh chia sẻ: “Năm nào nhà trường cũng tổ chức sinh hoạt chủ điểm nhân dịp 30/4. Các em học sinh mặc áo cờ đỏ, múa hát, kể chuyện lịch sử. Phụ huynh rất ủng hộ vì cho rằng đây là cách giáo dục lòng yêu nước thiết thực, dễ cảm nhận”.
Sức hút của mặt hàng áo thun biểu tượng quốc gia còn thể hiện rõ trên các trang mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ đăng ảnh check-in tại các địa danh lịch sử như Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập, đường hoa Nguyễn Huệ hay công viên 30/4 trong trang phục đỏ sao vàng.
Hình ảnh đoàn người mặc áo cờ diễu hành, ca hát hoặc chỉ đơn giản là tụ tập cùng nhau cũng thu hút hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ. Từ chỗ là một phần trong hoạt động tập thể, chiếc áo thun mang hình ảnh quốc kỳ đã trở thành biểu tượng văn hóa tích cực, góp phần gắn kết cộng đồng.
Bạn Nguyễn Tấn Tài, sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh, nói: “Chiếc áo đỏ không còn là chuyện đồng phục nữa. Nó là sự lựa chọn tự nguyện, mang nhiều ý nghĩa. Mỗi lần chúng em mặc áo này đi cổ vũ bóng đá, đi tình nguyện hay thăm bảo tàng, đều cảm thấy rất tự hào. Đặc biệt là dịp lễ 30/4, khoác áo này lên như được nhắc nhở về lịch sử, về sự hy sinh của ông cha”.
Dù thiết kế không thay đổi nhiều qua thời gian, nhưng sức sống của áo thun cờ đỏ sao vàng vẫn luôn bền bỉ, thậm chí ngày càng lan tỏa mạnh hơn. Sản phẩm này không cần chiến dịch quảng bá rầm rộ, bởi chính người tiêu dùng đang tự mình tạo ra làn sóng tiêu dùng tích cực - thông qua hành động giản dị mà sâu sắc: mặc áo có hình quốc kỳ để thể hiện niềm tin, sự tự hào và ý thức cộng đồng.
Dịp lễ năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều người dân TP. Hồ Chí Minh tranh thủ du lịch trong nước hoặc tham gia hoạt động ngoài trời. Sự xuất hiện dày đặc của áo cờ đỏ tại các điểm công cộng như sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, công viên văn hóa Đầm Sen hay Thảo Cầm Viên được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh. Các tiểu thương, cửa hàng đều chuẩn bị thêm hàng hóa để đáp ứng nhu cầu những ngày cao điểm cận lễ.
Việc mặc áo thun cờ đỏ, sao vàng mỗi dịp lễ lớn không chỉ là biểu hiện của xu hướng thời trang cộng đồng, mà còn thể hiện tinh thần gắn bó, khát vọng thống nhất và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người Việt. Giữa đô thị hiện đại, hình ảnh chiếc áo đỏ rực vẫn giữ nguyên được giá trị biểu tượng của nó - như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về lịch sử, lòng biết ơn và niềm tin vào tương lai chung của đất nước. |