Đơn hàng dệt may có dấu hiệu di chuyển ra khỏi Việt Nam
Ông Vũ Đức Giang cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,79 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh, kết quả này rất khả quan và ngành dệt may Việt Nam đã có tăng trưởng bứt phá. Trong đó, thị trường EU có khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang EU. Nếu không có hiệp định này, con số xuất khẩu chỉ đạt khoảng 700-800 triệu USD.
Về tình hình xuất khẩu của ngành trong nửa đầu năm 2021, ông Vũ Đức Giang cho rằng có nhiều điểm mới. Trong đó nổi lên là sự bứt phá về xuất khẩu và hiệu quả cực kỳ cao của ngành sợi. Nếu như năm 2020, 60% doanh nghiệp ngành sợi lỗ thì sang nửa đầu năm 2021 sợi trở thành điểm sáng cho xuất khẩu của ngành với kim ngạch 2,6 tỷ USD. Năm 2021, xuất khẩu sợi của dệt may Việt Nam dự kiến đạt 3,8-3,9 tỷ USD, thị trường xuất khẩu gồm các ông lớn Trung Quốc, Hàn Quốc, EU… Tiếp đó là vải,đạt kim ngạch xuất khẩu 1,18 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng với mặt hàng vải nội địa, 6 tháng xuất khẩu 352 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn hàng dệt may có dấu hiệu di chuyển khỏi Việt Nam |
Dự báo về tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành trong nửa cuối năm 2021, ông Vũ Đức Giang cho rằng sẽ có rất nhiều thách thức, bao gồm cả thách thức của năm 2020, nửa đầu năm 2021 kéo dài và tác hại từ đợt dịch bệnh mới đang bùng phát, mà điểm nóng là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Trong đó, cho dù đơn hàng đã có đến hết quý III, thậm chí là hết năm nay nhưng giá giảm sâu, doanh nghiệp rất áp lực cân bằng giữa sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động với lợi nhuận thu được. Các nhãn hàng áp dụng tiêu chuẩn đánh giá ngày một cao về nhà xưởng, trang thiết bị, an toàn cháy nổ, lao động, kể cả tổ chức công đoàn. Trường hợp không đáp ứng, doanh nghiệp sẽ không nhận được đơn hàng.
Các nhãn hàng cũng yêu cầu cho thanh toán chậm 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng. Điều này nằm ngoài kế hoạch bố trí tài chính ban đầu của doanh nghiệp. “Cái khó của doanh nghiệp là nếu không chấp nhận thì không có đơn hàng, chấp nhận thì rất khó xoay sở dòng tiền bởi các ngân hàng thương mại trong nước không chấp nhận khoản vay dài hạn như vậy, rủi ro rất cao”, ông Giang nói.
Mặt khác, dù đơn hàng đã tăng trở lại, tuy nhiên những mặt hàng thế mạnh của dệt may Việt Nam như veston, sơmi vẫn chưa khôi phục. Số đơn hàng veston quay trở lại Việt Nam mới đạt 27%. Từ cuối tháng 6/2021, nhiều nhà máy sản xuất veston đã phải bỏ vốn đầu tư thiết bị dây chuyền mới để sản xuất các mặt hàng khác, bao gồm cả khẩu trang vải. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng trở lại đây chỉ những doanh nghiệp đầu tư thiết bị sản xuất khẩu trang đáp ứng các tiêu chuẩn cao của ngành y tế, như khẩu trang N95 còn sản xuất tốt, các loại khẩu trang thông thường cũng ít dần đơn hàng.
Đặc biệt, thời điểm hiện tại, 97% số doanh nghiệp dệt may phía Nam phải đóng cửa. Chỉ còn số ít doanh nghiệp chuẩn bị trang thiết bị, thực hiện “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, cố gắng duy trì sản xuất để các nhãn hàng thấy dệt may Việt Nam đang nỗ lực vượt dịch, giữ đơn hàng. “Chúng tôi mới nhận được thông tin, trước rủi ro lớn do tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp, một số nhãn hàng đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, có đơn quay lại thị trường Trung Quốc”, ông Giang thông tin.
Dịch bệnh đang làm đảo lộn cả ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Nếu trong thời gian ngắn tới dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam chưa được kiểm soát tốt hơn, đơn hàng dệt may tiếp tục di chuyển ra khỏi Việt Nam thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Không có đơn hàng, không thể sản xuất, doanh nghiệp không có doanh thu, người lao động không có việc làm. Việc đảm bảo đời sống an sinh cho người lao động sẽ là áp lực lớn cho nền kinh tế và xã hội.