Nhọc nhằn hồi phục
Đến 90% khách hủy tour trong tháng 5/2021 do lo ngại dịch Covid-19, nhưng các công ty lữ hành vẫn bình tĩnh đón nhận và kỳ vọng điều tồi tệ sẽ sớm qua, để tháng 6 chào đón những tin vui mới. Tuy nhiên, kết thúc tháng 6/2021, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt 88,2 nghìn lượt (chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương của Việt Nam) giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước, do Việt Nam tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Hướng dẫn viên du lịch sẽ được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người - Ảnh: TTXVN |
Còn ở trong nước, dù nhiều địa phương đã kích hoạt lại một số dịch vụ du lịch song doanh thu vẫn giảm tới 2 con số. Điển hình tại Ninh Bình, lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 đạt 867,5 nghìn lượt, giảm 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Bùi Văn Đồng - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Ninh Bình - cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, xã hội. Sản xuất kinh doanh gặp khó, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch. Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành du lịch Ninh Bình. Để triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng tổ chức các hoạt động trong “Năm Du lịch quốc gia 2021”.
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, khách du lịch nội địa ước đạt 2,9 triệu lượt khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các tỉnh thành phố trong cả nước doanh thu du lịch đều giảm. Một số địa phương giảm mạnh là: Bắc Ninh giảm 61,8%; TP. Hồ Chí Minh giảm 53,6%; Hải Phòng giảm 46,5%; Hà Nội giảm 44,3%; Đà Nẵng giảm 43,5%; Quảng Ninh giảm 36,6%; Cần Thơ giảm 20,3%...
Chỉ ít điểm đến có sự tăng trưởng nhẹ như Sa Pa, Móng Cái. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai vừa thông tin, 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 21% so với cùng kỳ, tổng thu dịch vụ du lịch ước đạt 3.448 tỷ đồng, bằng 140,4% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh thu hút đông khách là Sa Pa đón 552.000 lượt khách, TP. Lào Cai 520.000 lượt, Bắc Hà 92.000 lượt, Bát Xát trên 21.000 lượt...
Tuy nhiên, theo phản ánh của Hiệp hội du lịch nhiều tỉnh, thành, dù lượng khách có nhích tăng nhẹ, nhưng do chỉ phục vụ nội tỉnh nên các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ đang lâm vào tình trạng khó khăn vô cùng.
Anh Đinh Văn Phương - quản lý chuỗi nhà hàng ẩm thực tại TP. Yên Bái - cho biết: Trước đây, anh có 5 nhà hàng chuyên ẩm thực phục vụ khách du lịch, 2 cửa hàng đặt tại thành phố, còn lại ở huyện Văn Chấn và Lục Yên. Đến cuối năm 2020, do ảnh hưởng của dịch không có khách nên “co” lại còn 1 nhà hàng tại thành phố và 1 tại Văn Chấn, nhưng từ tháng 5/2021 chỉ còn 1 nhà hàng tại Văn Chấn hoạt động cầm chừng. Nếu đến giữa tháng 6 này lượng khách vẫn như hiện tại thì phải đóng cửa nốt, vì thu không đủ chi.
Mở rộng đón khách ngoại tỉnh
Để giảm thiểu khó khăn, ngành dịch vụ, du lịch đã nhận được sự hỗ trợ của nhà nước như giãn nộp thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… hay mới đây theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5 - 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp du lịch vui mừng trước sự quan tâm của Chính phủ, nhưng hơn bao giờ hết, họ mong ngóng những địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh có thể mở cửa du lịch liên tỉnh, liên vùng. Bởi chỉ khi có du khách, doanh nghiệp mới có thể tồn tại.
Theo ông Nguyễn Văn Tài - CEO VietSense Travel: Hiện doanh nghiệp đang được hưởng chính sách giãn nộp thuế 5 tháng và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Song, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp du lịch, vì kinh doanh thua lỗ thì không có lời để nộp thuế. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế VAT cho các đơn vị du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có những chính sách thiết thực hơn nữa đến lao động ngành du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng vay vốn để giữ lực lượng lao động nòng cốt.
Để “vực” dậy ngành dịch vụ du lịch, một số địa phương đã cho phép đón khách ngoại tỉnh, như Vĩnh Phúc từ ngày 26/6 cho phép một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ như khách sạn, sân golf, cửa hàng ăn uống trong nhà (có tấm ngăn) được mở trở lại. Khách du lịch đến tỉnh phải có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin hoặc xác nhận âm tính Covid-19 trong thời hạn 5 ngày.
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Vĩnh Phúc cho rằng, kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới chủ yếu là kích cầu nội địa, với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Doanh nghiệp du lịch sẽ triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với các địa phương trong cả nước, xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng.
Không ít địa phương, doanh nghiệp cũng đang xây dựng phương án sẵn sàng mở rộng đón 2 nhóm khách từ các địa bàn an toàn trong cả nước, đó là nhóm khách đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, có giấy xác nhận và nhóm khách có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời gian 7 ngày.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có cơ chế giúp họ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, dễ dàng, sát thực tế hơn; khi du lịch quốc tế chưa thể hoạt động thì nên cho tháo khoán khoản ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng số tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho doanh nghiệp vay lại từ ngân hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động.