Thương hiệu du lịch Việt không chỉ là thị trường giá rẻ Việt Nam là điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất Cả nước đón 10,5 triệu khách du lịch dịp 30/4 - 1/5 |
Khi người Việt chọn du lịch tại chỗ
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay ghi nhận sự sôi động của ngành du lịch. Tình trạng tắc đường, giá vé tăng cao và quá tải tại các điểm đến truyền thống đang khiến không ít người dân, đặc biệt là giới trẻ, các gia đình trẻ và người lao động đô thị, tìm đến một giải pháp mới: du lịch tại chỗ, hay còn gọi là staycation.
Staycation là một khái niệm đã phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, giờ đây đang trở thành xu hướng nổi bật tại Việt Nam. Thay vì phải di chuyển xa, mất thời gian và công sức để lên kế hoạch, nhiều người chọn cách tận hưởng kỳ nghỉ ngay trong lòng thành phố nơi họ đang sinh sống và làm việc.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, tại Hà Nội, dễ dàng nhận thấy các gói dịch vụ nghỉ dưỡng ngắn ngày tại khách sạn cao cấp, homestay, trải nghiệm ẩm thực bản địa hoặc quốc tế, tham quan bảo tàng, thưởng thức nghệ thuật đường phố, thư giãn tại spa, hay đơn giản là dành thời gian bên gia đình trong không gian xanh giữa lòng đô thị... đang được nhiều người ưa chuộng.
Chị Nguyễn Hoài Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi dịp lễ là tôi thấy áp lực chuyện đi đâu, giá vé tăng, khách sạn kín phòng. Năm nay, vợ chồng tôi quyết định đặt một khách sạn 5 sao ở quận Hoàn Kiếm, chỉ cách nhà chưa đến 10 cây số nhưng lại có cảm giác như đi nghỉ ở một thành phố khác. Sáng ăn sáng buffet, chiều spa, tối ngắm cảnh rooftop. Không tốn nhiều thời gian di chuyển mà vẫn rất thư giãn”.
Staycation trở thành lựa chọn ngày càng hấp dẫn đối với nhiều người không chỉ vì sự tiện lợi, mà còn bởi hàng loạt lợi thế rõ rệt so với hình thức du lịch truyền thống. Trước hết, yếu tố tiết kiệm chi phí là điểm cộng lớn.
Khi không phải chi tiền cho việc di chuyển xa, vé máy bay hay tàu xe, người dân có thể phân bổ ngân sách nhiều hơn cho trải nghiệm thực tế, từ ẩm thực, nghỉ dưỡng đến chăm sóc sức khỏe.
![]() |
Nhiều người chọn du lịch ngay trong chính thành phố mình sinh sống. Ảnh chụp màn hình |
Bên cạnh đó, staycation mang lại sự linh hoạt tối đa về mặt thời gian. Chỉ cần một đến hai ngày cuối tuần, người ta vẫn có thể tận hưởng trọn vẹn cảm giác thư giãn, nghỉ ngơi mà không cần phải xin nghỉ dài ngày hay lên kế hoạch phức tạp. Sự linh hoạt này đặc biệt phù hợp với nhịp sống nhanh của đô thị, nơi phần lớn người lao động khó sắp xếp lịch trình dài hạn.
Hơn nữa, việc ở lại trong thành phố giúp hạn chế đáng kể những rủi ro thường gặp khi đi xa như huỷ chuyến, kẹt xe, thất lạc hành lý hoặc các sự cố bất ngờ về thời tiết, sức khoẻ.
Staycation còn thể hiện xu hướng tiêu dùng mới tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Người dân ngày nay quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm cá nhân hóa, dịch vụ cao cấp, các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đây chính là lý do khiến staycation không còn là phương án “tạm bợ”, mà ngày càng được xem là một hình thức du lịch đúng nghĩa.
Cơ hội “vàng” cho ngành dịch vụ nội đô
Tại các quận nội thành tại Thủ đô Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ,... lượng đặt phòng tại các khách sạn 4 - 5 sao trong nội đô tăng vọt trong dịp lễ. Các gói nghỉ dưỡng ngắn ngày kèm dịch vụ ăn sáng, spa, bể bơi và các tiện ích gia đình được tiêu thụ mạnh.
Thậm chí, nhiều khách sạn đã chủ động thiết kế “gói nghỉ dưỡng tại chỗ” cho cư dân bản địa, kèm các hoạt động dành riêng cho trẻ em và người cao tuổi, như một cách cá nhân hóa trải nghiệm.
Không chỉ dừng lại ở lưu trú, xu hướng staycation còn thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm toàn diện ngay trong thành phố. Nhiều người tận dụng kỳ nghỉ để khám phá các nhà hàng mới, tham dự lớp học nấu ăn, workshop nghệ thuật, xem kịch, đi triển lãm hoặc đơn giản là dành thời gian chăm sóc bản thân với các liệu pháp trị liệu, detox hay massage tinh dầu.
Với họ, du lịch không còn đồng nghĩa với việc “đi xa”, mà là hành trình thư giãn, tận hưởng và tái tạo năng lượng dù ở đâu đi nữa.
Anh Lê Minh Tùng, quản lý khách sạn Xanh (quận Hà Đông - Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng khách Hà Nội không rời thành phố dịp lễ đang tăng rõ rệt, đặc biệt là nhóm gia đình trẻ. Vì thế, năm nay khách sạn triển khai nhiều chương trình ưu đãi như buffet chủ đề ''Ẩm thực miền Trung'' kèm nhạc sống và khu vui chơi trẻ em khi khách đến lưu trú vào đúng ngày 30/4 và 1/5. Chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ, lượng khách nội địa tăng gấp đôi so với ngày thường”.
Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, công viên giải trí, bảo tàng và không gian nghệ thuật cũng chủ động làm mới trải nghiệm.
Nhiều nơi tổ chức các buổi trình diễn nghệ thuật đường phố, workshop sáng tạo, khu trò chơi tương tác hoặc hội chợ văn hóa với chủ đề “du lịch không cần đi xa”. Không khí lễ hội được tái hiện sống động giúp người dân có cảm giác “đang đi chơi xa” dù thực chất chỉ quanh quẩn trong bán kính vài cây số.
![]() |
Phố sách Hà Nội cũng nằm trong danh sách các địa điểm tham quan cho những "du khách staycation". Ảnh: Mộc Nhiên |
Một điểm đáng chú ý khác là sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và tinh thần trong mô hình staycation. Các spa, phòng xông hơi kiểu Hàn, Nhật, lớp yoga, thiền định, detox cơ thể hoặc trị liệu tinh dầu đều ghi nhận lượng khách tăng cao.
Nhiều người tìm đến các liệu pháp chăm sóc ngắn ngày như một cách “đầu tư cho bản thân” thay vì chỉ tiêu dùng vật chất. Đây chính là chỉ báo rõ rệt cho thấy du lịch không chỉ là việc “đi chơi”, mà còn là hành trình tự chăm sóc, tái tạo năng lượng sống.
Chị Vũ Mai Hương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi không thích bon chen nên lễ năm nay chọn đi spa, học một buổi làm gốm và tham quan một triển lãm nghệ thuật. Tất cả đều trong nội thành. Cảm giác như đi du lịch tinh thần vậy, nhẹ nhàng, có chiều sâu và nhiều cảm xúc hơn một chuyến đi xa vội vàng”.
Staycation đã và đang tạo ra một ngách tiêu dùng mới đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp không cần đầu tư lớn vào hạ tầng du lịch ngoại thành, mà có thể tận dụng chính không gian hiện có tại trung tâm để thiết kế dịch vụ chuyên biệt.
Mặt khác, do khách hàng là cư dân địa phương nên yếu tố “hiểu thị hiếu”, “cá nhân hóa trải nghiệm” và “liên kết chéo” giữa các loại hình dịch vụ (ẩm thực, nghỉ dưỡng, giải trí, làm đẹp) sẽ là chìa khóa cạnh tranh.
Những mô hình như combo nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vé xem nhạc kịch kèm ăn tối, hoặc hội chợ kết hợp triển lãm nghệ thuật đương đại... đang được đánh giá là hướng đi nhiều triển vọng.
Xu hướng staycation thể hiện sự chuyển dịch từ “hướng ngoại” sang “hướng nội” trong cách người Việt tận hưởng cuộc sống. Khi du lịch không còn là chuyện phải đi thật xa, mà trở thành hành trình tái kết nối với chính mình, với gia đình và thành phố thân quen thì đó cũng là lúc ngành dịch vụ nội đô cần nâng cấp tư duy, thiết kế sản phẩm phù hợp, cá nhân hoá và giàu cảm xúc hơn.
Staycation không đơn thuần là một xu hướng ngắn hạn, mà đang từng bước định hình lại diện mạo ngành du lịch - một lĩnh vực vốn luôn gắn liền với đổi mới sáng tạo và sự thấu hiểu con người. |