Khởi động Tuần Du lịch Ninh Bình 2025 Đảm bảo an toàn thực phẩm - Nâng tầm du lịch xứ Thanh Chuyển đổi số du lịch nông thôn mới: Tiềm năng còn bỏ ngỏ |
Nghỉ lễ dài ngày như dịp 30/4 - 1/5, người thì háo hức lên đường khám phá những vùng đất mới, người lại tất tả chuẩn bị hành lý về quê sum họp với gia đình. Giữa lựa chọn đi xa hay trở về, xu hướng nghỉ lễ của người Việt đang phản ánh nhiều điều thú vị về lối sống, nhu cầu tinh thần và cả những thay đổi trong hành vi tiêu dùng du lịch.
Du lịch là lựa chọn để “nạp” năng lượng
Chưa đến kỳ nghỉ, các trang đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch đã “nóng rực”. Không ít điểm đến như Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Sa Pa... gần như kín chỗ từ sớm. Dễ thấy, với nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ chọn nghỉ lễ là dịp vàng để “đi trốn” khỏi những căng thẳng, bức bối và xô bồ nơi phố thị.
![]() |
Nghỉ lễ dài, nhiều người Việt xách vali đi xa, người khác lại quay về quê nhà. Vậy xu hướng nào chiếm ưu thế, du lịch hay trở về chốn thân quen? Ảnh minh họa |
Không chỉ có giới trẻ, nhiều gia đình có con nhỏ cũng lựa chọn “đổi gió” trong dịp lễ. Điểm chung là nhu cầu tìm đến không gian xanh, mát, có hoạt động vui chơi giải trí an toàn cho trẻ, dịch vụ thuận tiện cho người lớn tuổi. Những điểm du lịch ven đô như Ba Vì, Tam Đảo… cũng hút khách không kém các vùng du lịch truyền thống.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chị Phương Lê (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Gia đình tôi thường chọn du lịch nghỉ dưỡng mỗi dịp lễ. Vừa tránh được cảnh phố xá đông đúc, vừa tranh thủ hít thở không khí biển. Đi du lịch vài ngày tuy hơi tốn kém nhưng giúp tôi thật sự nghỉ ngơi. Khi trở về, đầu óc thoải mái, tinh thần sảng khoái, lại có động lực làm việc tiếp”.
Theo chị Phương Lê, mỗi chuyến du lịch là một lần sạc pin cảm xúc. Nhất là khi đi cùng gia đình, được ngắm con cười, chồng vui vẻ thì mọi mệt nhọc tan biến.
Chị Phương Lê cho rằng, chọn đi du lịch vào lễ vì đó là lúc gia đình được ở bên nhau trọn vẹn. Mỗi chuyến đi không chỉ giúp xả stress mà còn làm giàu thêm kỷ niệm. Những khoảnh khắc cả nhà cùng leo núi, chèo thuyền hay ăn tối bên bờ biển, đó là thứ tiền không mua được.
Số liệu từ một số công ty lữ hành lớn cho thấy, trong các kỳ nghỉ lễ gần đây, lượng khách nội địa tăng trung bình 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự hồi phục mạnh mẽ đã tạo ra lượng khách du lịch mới ưu tiên trải nghiệm, đề cao sức khỏe tinh thần, sẵn sàng chi tiền cho dịch vụ chất lượng.
“Trốn phố” về quê để tìm lại những điều bình dị
Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn đi xa. Một bộ phận người Việt lại nhìn kỳ nghỉ với góc nhìn khác, như cơ hội trở về…
Giữa guồng quay vội vã của thành thị, những kỳ nghỉ lễ dài ngày trở thành “phao cứu sinh” để nhiều người trở về quê hương, nơi có gia đình, ký ức và cảm giác bình yên khó tả. Thay vì chen chân ở sân bay, kẹt xe ở cao tốc hay xếp hàng tại điểm du lịch, nhiều người chọn hành trình về lại vùng quê, nơi có cha mẹ đang chờ đợi.
![]() |
Ngoài về quê, chị Quỳnh Anh còn đưa các con đi khu vui chơi ven Hà Nội giúp các con vận động và học hỏi. Ảnh: Quỳnh Anh |
Chị Quỳnh Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi kỳ nghỉ lễ, vợ chồng tôi thường phân vân giữa việc đưa con đi du lịch hay về quê thăm ông bà. Nhưng mấy năm gần đây, chúng tôi ưu tiên về quê hơn. Về quê không tốn quá nhiều chi phí, con được gần gũi ông bà, chơi đùa với thiên nhiên, không gian cũng thoáng đãng. Đi du lịch thì vui nhưng đông đúc, đắt đỏ, lại mệt vì chen chúc. Nhiều khi chỉ muốn được nghỉ đúng nghĩa, ăn bữa cơm gia đình, ngủ một giấc trưa yên tĩnh ở nhà cũ là đủ”.
Theo chị Quỳnh Anh, về quê không chỉ là nghỉ ngơi, mà còn là cách để chị dạy con nhận ra giá trị của sự giản dị đó là ăn bát cơm nóng, chơi bên ao làng…
“Về quê dịp lễ, tôi chẳng mong gì hơn một bữa cơm có mẹ nấu, một buổi chiều ngồi bên hiên nghe gió thổi qua đồng. Những điều bình dị ấy, ở phố không bao giờ có”, chị Quỳnh Anh bày tỏ.
Lý do nhiều người chọn về quê không chỉ là nghỉ ngơi mà còn để kết nối lại với gốc rễ. Sau đại dịch, nhiều người nhận ra giá trị của sự gần gũi, gắn bó gia đình và điều đó trở thành “chất xúc tác” cho cuộc sống.
Đáng chú ý, ngày càng nhiều người trẻ chủ động “trốn phố” về quê không vì trách nhiệm mà vì nhu cầu thực sự. Về quê nay không còn gắn liền với hình ảnh tẻ nhạt, thiếu thốn. Ngược lại, với xu hướng làm nông nghiệp sạch, du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa, không ít bạn trẻ coi đây là hành trình “chữa lành”.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, với một số người, quyết định về quê một phần vì lý do tài chính. Du lịch đang ngày càng đắt đỏ khi giá vé tăng, khách sạn cháy phòng, chi phí ăn ở gấp 2-3 lần ngày thường. Trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng”, về quê trở thành một lựa chọn hợp lý, vừa tiết kiệm vừa có giá trị tinh thần.
Lựa chọn nào là phù hợp nhất?
Thực tế, không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi “Người Việt nghỉ lễ: Du lịch khám phá hay ‘trốn phố’ về quê?”. Mỗi lựa chọn đều mang trong mình những giá trị và ý nghĩa riêng và sự phù hợp sẽ phụ thuộc vào sở thích cá nhân, điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu của từng người trong từng thời điểm khác nhau.
Với những người trẻ tuổi, độc thân và có điều kiện kinh tế, một chuyến đi khám phá những vùng đất mới có thể là trải nghiệm đáng giá, giúp họ tích lũy thêm kiến thức và kỷ niệm. Trong khi đó, với những người đã có gia đình, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ hoặc người lớn tuổi, việc trở về quê sum họp có thể là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, mang đến sự ấm áp và gắn kết tình thân.
Cũng có những người lựa chọn kết hợp cả hai hình thức nghỉ lễ. Họ có thể dành những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ để đi du lịch cùng bạn bè hoặc người thân và sau đó trở về quê nhà để thăm hỏi gia đình. Hoặc ngược lại, họ có thể dành thời gian ở bên gia đình trước, rồi sau đó tự thưởng cho mình một chuyến đi ngắn ngày để thư giãn và khám phá.
Quan trọng nhất, dù lựa chọn là gì, kỳ nghỉ lễ vẫn là khoảng thời gian quý báu để mỗi người có thể tạm gác lại những lo toan thường nhật, dành thời gian cho bản thân và những người mình yêu thương.
Đó là cơ hội để tái tạo năng lượng, làm mới tinh thần và chuẩn bị cho những thử thách mới trong tương lai. Hãy trân trọng những khoảnh khắc này và tận hưởng trọn vẹn những ngày nghỉ lễ theo cách mà bạn cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa nhất.
Nghỉ lễ không nằm ở việc bạn đi đâu, làm gì, mà là bạn có thật sự được nghỉ cả thể chất lẫn tinh thần hay không. Dù bạn lựa chọn rảo bước nơi xa hay lặng lẽ trở về, điều quan trọng là bạn cảm thấy hài lòng, vui vẻ và cân bằng hơn sau kỳ nghỉ. Đối với nhiều người, đi để thấy mình còn trẻ, còn nhiều điều muốn làm. Với người khác, về để thấy lòng yên, thấy mình vẫn còn nơi để trở về. Có thể nói, cả hai xu hướng du lịch khám phá và “trốn phố” về quê đều phản ánh nhu cầu nghỉ ngơi rất thật của người Việt hiện đại. |