Chủ nhật 17/11/2024 23:12

Điều chỉnh nguồn cần tính đến bài toán giá và đảm bảo an ninh cung cấp điện

Theo nhiều ý kiến cho rằng, để Việt Nam hiện thực hóa được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, cần các giải pháp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện Việt Nam và cắt giảm các nguồn gây phát thải. Tuy nhiên, theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, việc điều chỉnh cơ cấu nguồn điện cần tính toán đến bài toán giá điện và đảm bảo hệ thống an ninh cung ứng điện.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đăng Sơn để làm rõ hơn vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chuyển dịch năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh, phát thải bằng 0, Việt Nam cần nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và giảm tối đa điện than? Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP26 cho thấy, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc tham gia các công ước quốc tế và các chính sách về biến đổi khí hậu trong nước. Đây là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới nhằm thực hiện Net Zero vào năm 2050.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh

Do ngành năng lượng đóng góp tỷ trọng lớn vào phát thải khí nhà kính quốc gia, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai lộ trình giảm phát thải từ các nguồn năng lượng và công nghiệp, mà trước mắt là phải lên phương án giảm nguồn điện than trong Quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, do điện than đang là nguồn năng lượng truyền thống có thể chủ động đảm bảo an toàn cung ứng điện, trong khi thực tế cho thấy, các nguồn điện năng lượng tái tạo có sản lượng rất thấp, chỉ bằng 1/3-1/5 sản lượng của các nguồn khác cùng công suất lắp và không đảm bảo độ ổn định. Do đó, quá trình chuyển dịch sang một cơ cấu nguồn điện phi than đá cần có lộ trình phù hợp, cho phép có đủ thời gian chuẩn bị các nền tảng cần thiết (như đầu tư hạ tầng truyền tải và dịch vụ phụ trợ, xây dựng khung pháp lý phù hợp…) và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế.

Ngoài ra, lộ trình này cũng cần được tính toán để tạo điều kiện phát triển năng lực địa phương, hướng tới việc làm chủ công nghệ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và nhà thầu nước ngoài như trong giai đoạn giá FIT vừa qua.

Quy hoạch điện VIII đang tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, theo ông việc thay đổi cơ cấu nguồn điện có tác động như thế nào đến an ninh cung cấp điện?

Về cơ cấu nguồn điện theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đối với các ràng buộc hiện tại thì có thể xem là hợp lý, tuy nhiên, nếu đưa theo điều kiện của Net Zero vào thì cơ cấu nguồn có thể sẽ phải thay đổi. Và những thay đổi này sẽ đòi hỏi phải có những điều kiện liên quan, ví dụ như khả năng sẵn sàng của hệ thống điện (bao gồm cả hệ thống truyền tải) để tiếp nhận tỷ trọng nguồn điện gió và mặt trời ở mức cao hơn, các quy định liên quan tới huy động và chi trả cho các dịch vụ phụ trợ, hay các cơ chế thúc đẩy việc triển khai pin lưu trữ…

Như vậy, có thể thấy, các điều kiện này ít nhiều sẽ làm tăng thêm chi phí tổng thể của toàn bộ hệ thống, và sẽ dẫn đến hệ lụy phải tăng giá điện, giá năng lượng để đảm bảo bù đắp các chi phí này. Và câu chuyên giá điện, năng lượng tăng sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề khác như phát triển công nghiệp, đầu tư, hạ tầng, tiêu dùng.

Trong ngắn hạn, với tỷ trọng công suất điện gió và điện mặt trời đã khá cao thì việc tiếp tục đầu tư quá nhiều vào năng lượng tái tạo trong khi hạ tầng truyền tải cũng như các nguồn dự phòng linh hoạt chưa sẵn sàng sẽ gây nhiều rủi ro cho hệ thống, và sẽ làm chi phí hệ thống tăng cao. Tuy nhiên trong dài hạn, với những biến động khó dự đoán của giá nhiên liệu (than, dầu) cũng như dưới tác động của biến đổi khí hậu thì các nguồn điện tái tạo sẽ có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt khi Việt Nam có thể làm chủ các công nghệ liên quan thông qua hợp tác chuyển giao công nghệ với các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Đan Mạch… để phát triển nền công nghiệp năng lượng tái tạo quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, sạch.

Như vậy, việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng xanh, sạch là đúng hướng, song cần tính toán hợp lý, tăng bao nhiêu và lộ trình như thế nào để đảm bảo an ninh cung cấp điện quốc gia cho từng giai đoạn và có dự phòng. Do đó cần phải tính toán thật kỹ trong việc điều chỉnh lần này, vì việc lập quy hoạch cần phải dựa trên những chứng cứ khoa học, các văn bản pháp lý cụ thể, và phải đảm bảo có được một tỷ lệ nguồn điện “chắc chắn” trong đầu tư và vận hành trước khi xem xét đưa thêm các nguồn có độ bất định cao.

Vậy theo ông, giải pháp nào để hướng đến chuyển dịch ngành năng lượng theo hướng bền vững, góp phần giảm phát thải và bảo vệ môi trường?

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải, khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo gắn với những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt Net Zero vào năm 2050 thì Việt Nam cần đầu tư rất lớn cho tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng và truyền tải điện.

Theo nghiên cứu, để bù đắp chi phí phát sinh khi thực hiện theo kịch bản Net Zero, Việt Nam cần 19 tỷ USD để giữ giá điện thông thường và hàng năm cần khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện. Do vậy, Việt Nam sẽ cần nhiều sự hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt là các nguồn vốn vay ODA giá thấp, cũng như phải có những cơ chế chính sách đột phát để huy động nguồn lực từ khối tư nhân.

Ngoài ra, để chuyển dịch năng lượng thành công, hướng tới mục tiêu phát thải thấp, Việt Nam cần rất nhiều yếu tố về công nghệ, tài chính. Và để năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió và nguồn điện khí có thể trở thành những nguồn điện với chi phí hợp lý, độ tin cậy cao thì cần phải đáp ứng đủ sự linh hoạt trong hệ thống điện, đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.

Và quan trọng hơn hết, để đạt được mục tiêu Net Zero đòi hỏi sự cân đối tổng thể giữa các bộ, ngành khác nhau, vì điện lực chỉ đóng góp một phần trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng, ngoài ra còn có các lĩnh vực khác đóng vai trò quan trọng như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp… Do đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần chủ trì, phân tích, tính toán, đánh giá lại cơ cấu của các ngành như thế nào, phát thải từng ngành là bao nhiêu, từ đó mới có thể tìm ra trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, vai trò của Chính phủ cần phải điều tiết các bộ, ban ngành liên quan trong thực hiện mục tiêu chung này và đây là câu chuyện tổng hoà của toàn quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Nga
Bài viết cùng chủ đề: Hoá đơn tiền điện

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: GEFE 2024 - cơ hội hướng đến phát triển xanh và bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách với khách mời trong nước và quốc tế

Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh

Sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024):Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đại

Sửa quy định về miễn kiểm tra chất lượng hàng hoá, không để doanh nghiệp gian lận

Chứng minh người nộp đơn 'biết' hoặc 'có cơ sở để biết' trong các vụ việc đăng ký nhãn hiệu

Cơ sở pháp lý và cách tiếp cận để giành lại nhãn hiệu bị đăng ký với dụng ý xấu

Bày tỏ tình cảm tiếc thương Tổng Bí thư là đáng quý nhưng cần tỉnh táo!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Sự mất mát để lại niềm tin gắn kết

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 có gì mới và đặc biệt?

Công bố Ngày truyền thống 2/10/1945: Dấu mốc phát triển mới của Báo Công Thương

Ứng dụng công nghệ mới tăng cường nội lực, tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt

Đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh có gì hấp dẫn?

Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng GDP: Đòi hỏi sự ứng biến phù hợp!

Chuyển đổi số trong ngành logistics: Chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức

Khai mạc Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương tại Hà Nội

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về cách mạng 4.0: Các địa phương đã đạt được thành tựu gì?

Vì sao nắng nóng tiêu thụ điện kỷ lục, điện mặt trời, điện gió dư thừa nhưng không là giải pháp?