Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, ở khu vực miền Nam, điện khí hóa nông thôn là một trong những gói đầu tư lớn của nhà nước. Nhờ vậy, nhiều khu vực dân cư ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã được thụ hưởng lớn từ chủ trương này và dễ dàng nhận ra từ những bức tranh làng quê đẹp và mới mẻ về hạ tầng và cuộc sống trong từng nếp nhà.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - đánh giá, về điện khí hoá nông thôn, tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% vào năm 1993 lên tới trên 99% vào năm 2018. Trong vòng 25 năm, hơn 14 triệu hộ gia đình, tương đương 60 triệu người dân Việt Nam đã được sử dụng điện lưới quốc gia, đây là một kỳ tích hiếm có ở nhiều quốc gia hiện nay.
Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công trên toàn cầu về phát triển ngành năng lượng trong vài thập kỷ qua, đó là điện khí hoá nông thôn và cải cách trong ngành điện. Đánh giá về sự vượt trội về phát triển điện năng ở Việt Nam của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chính là sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành điện lực miền Nam.
Kéo điện lưới quốc gia ra xã đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang giúp hàng nghìn hộ dân sử dụng điện bằng giá với trong đất liền |
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, sau ngày nước nhà thống nhất, hạ tầng lưới điện tại khu vực miềm Nam vừa yếu, thiết bị lạc hậu, trong đó có rất nhiều vùng quê thiếu điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, EVNSPC đã thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn và hàng nghìn dự án, công trình về điện đã được triển khai ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo tại 21 tỉnh thành miền Nam.
Từ những công trình đầu tư này, các hộ dân sinh sống ở nhiều vùng quê xã ngái từ Ninh Thuận đến Cà Mau vốn chưa có điện để dùng thì nay hầu hết đã có điện lưới quốc gia kéo đến tận nhà. Theo ông Đức, tại 21 tỉnh thành miền Nam, nếu như năm 2001, chỉ mới có 99,12% số xã và 69,64 số hộ dân có điện thì đến giữa năm 2020, đã có 100% số xã và 99,69% số hộ dân trên địa bàn có điện lưới quốc gia để dùng. Tỷ lệ dùng điện lưới quốc gia ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo không ngừng tăng. Cụ thể, số hộ dân nông thôn sử dụng điện đạt 99,55%, dự kiến cuối năm 2020, EVNSPC sẽ hoàn thành kế hoạch cung cấp điện cho toàn thể người dân nông thôn trên địa bàn.
Nhằm chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, ngoài quyết liệt triển khai các dự án cấp điện mới, EVNSPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện, góp phần nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo an toàn cung cấp điện tại khu vực nông thôn. Cụ thể, ngành điện đã thực hiện các công trình điện hạ áp tại 876 xã, trực tiếp bán điện cho 1,2 triệu hộ dân nông thôn với giá mua điện đúng giá quy định, hoàn thành cấp điện cho 113 xã theo tiêu chí số 4 về xây dựng nông thôn mới.
Dấu ấn đậm nét cho sự phát triển của ngành điện lực miền Nam là khả năng huy động mọi nguồn lực tài chính để kéo điện lưới quốc gia đến các vùng bưng sâu, hải đảo ở khu vực miền Nam như Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Kiên Hải, Phú Quốc, Lại Sơn (Kiên Giang) để giúp nâng cao đời sống của người dân và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Kiên Giang là vùng đất cuối cùng của đất nước, những năm đầu giải phóng, vùng quê này hầu như là “vùng trắng về điện”, hiện tại điện lưới quốc gia đã kéo đến tận ngõ nhà từng hộ dân ở vùng bưng sâu và hải đảo. Ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang - cho biết, đến nay số hộ dân có điện tại Kiên Giang là 425.992 hộ, đạt tỷ lệ 99,35%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 306.954 hộ, đạt tỷ lệ 99,23%.
Người dân vùng sâu ở tỉnh Kiên Giang sử dụng máy giặt khi có điện lưới quốc gia kéo đến từng gia đình |
Cấp điện cho vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực có đông người dân tộc thiểu số sinh sống là chủ trương lớn của Nhà nước và nhiều năm qua ngành điện lực Kiên Giang đã quyết liệt thực thi chủ trương này. Ông Nhàn thông tin, từ năm 2012 đến nay, chỉ riêng Dự án Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện và đồng bào dân tộc Khmer, PC Kiên Giang đã đầu tư hơn 287 tỷ đồng xây dựng hơn 290km đường dây trung thế, hơn 806km đường dây hạ thế và 379 trạm biến áp dung lượng 4.900 kVA, giúp 15.096 hộ dân nông thôn và hải đảo có điện để sử dụng. Hiện nay, mỗi năm PC Kiên Giang còn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để phục vụ người dân nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, dây là điều kiện cần để ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển.
Xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng là vùng bưng sâu của tỉnh Kiên Giang, ngày nay điện đã đến tận từng hộ dân, vuông tôm và từng thửa ruộng xa. Chủ tịch UBND xã Thạnh Yên - ông Trần Thanh Cường - cho hay, từ khi có điện, ngoài phát triển nông nghiệp, địa phương còn tập trung phát ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hiện tại, xã Thạnh Yên đã có hơn 50 cơ sở sửa chữa cơ khí, sản xuất nước đá, nước uống đóng chai, tăng 30 cơ sở so với năm 2010. Toàn xã còn có 480 cơ sở sản xuất kinh doanh khác, tăng 123 cơ sở so năm 2011, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Phước Đức khẳng định, tại các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh… chương trình điện khí hóa nông thôn đã giúp gần 100% người dân sống ở vùng sâu, vùng xa hiện nay sử dụng điện lưới quốc gia. Điện không chỉ giúp cho cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn thuận lợi, văn minh, dễ dàng tiếp cận mọi thông tin khoa học kỹ thuật mà còn trực tiếp thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển triển.
“EVNSPC tiếp tục hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác kinh doanh và đặt mục tiêu đến năm 2025, dịch vụ khách hàng sẽ đạt ngang bằng các nước ASEAN 3; chỉ số tiếp cận điện năng đạt ngang bằng các nước ASEAN 3. Trong chiến lược phát triển này, kế hoạch điện khí hóa nông thôn vẫn tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo”, ông Đức cam kết.