Từ đất hiếm đến con chip Việt Nam Sẽ rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I Viện Hàn lâm phối hợp Bộ Công Thương phát triển công nghệ chế biến sâu đất hiếm |
Trong bối cảnh ngành năng lượng và điện tử phát triển mạnh mẽ, nam châm vĩnh cửu đất hiếm ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu. Với các ứng dụng đa dạng, từ thiết bị điện tử, ô tô, năng lượng gió, y tế đến đồ gia dụng và nam châm vĩnh cửu đất hiếm không chỉ tối ưu hóa hiệu suất mà còn giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể. Nhờ có nguồn tài nguyên phong phú và chính sách phát triển phù hợp, Việt Nam đang dần nổi lên như một trung tâm cung cấp nam châm vĩnh cửu đất hiếm trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, chuỗi cung ứng nam châm đất hiếm bao gồm cả ngành thượng nguồn (khai thác và tinh chế các kim loại đất hiếm như neodymium, samarium, và cobalt) và hạ nguồn (các ngành công nghiệp ứng dụng). Trong sản xuất xe điện và phát điện gió, nam châm đất hiếm là thành phần thiết yếu giúp tăng hiệu suất động cơ và giảm tiêu thụ năng lượng. Đặc biệt, các sản phẩm điện tử như điện thoại thông minh và máy tính xách tay phụ thuộc vào loại nam châm này để đạt được thiết kế nhỏ gọn và nhẹ hơn.
Báo cáo nghiên cứu xuất khẩu nam châm vĩnh cửu, đất hiếm Việt Nam 2024-2033 |
Trong công nghiệp nặng, nam châm đất hiếm được ứng dụng rộng rãi trong các động cơ điện và máy phát điện, đặc biệt trong những lĩnh vực quan trọng như xe điện, tuabin gió và tự động hóa. Những ứng dụng công nghệ cao như tàu đệm từ, robot và hàng không vũ trụ cũng yêu cầu loại nam châm này nhờ vào hiệu suất cao và tính linh hoạt.
Mặc dù chưa phát triển ngành công nghiệp nam châm đất hiếm mạnh mẽ như Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng Việt Nam đang dần trở thành một nguồn cung đất hiếm toàn cầu nhờ tài nguyên phong phú và chi phí lao động cạnh tranh. Theo ước tính, Việt Nam sở hữu khoảng 22 triệu tấn tài nguyên đất hiếm, chiếm 19% trữ lượng toàn cầu - một nguồn cung nguyên liệu dồi dào cho các ngành công nghiệp.
Chính phủ đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nam châm vĩnh cửu đất hiếm. Nhờ đó, xuất khẩu nam châm đất hiếm của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, mở ra cơ hội phát triển vượt trội trong chuỗi cung ứng năng lượng và điện tử toàn cầu.
Theo báo cáo của các nhà phân tích, tổng giá trị xuất khẩu nam châm đất hiếm của Việt Nam trong năm 2023 đạt khoảng 370 triệu USD và vẫn đang ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Từ tháng 1 - 7/2024, giá trị xuất khẩu đã vượt 200 triệu USD, trong đó các thị trường trọng điểm gồm Nhật Bản, Philippines và Malaysia. Một số công ty lớn như Shin-Etsu Chemical Co., Ltd và Union Materials hiện là khách hàng quan trọng của Việt Nam.
Phần lớn sản lượng xuất khẩu nam châm đất hiếm của Việt Nam đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công ty con của tập đoàn điện tử và hóa chất quốc tế.
Với sự gia tăng nhu cầu về xe điện và năng lượng tái tạo trên toàn cầu, ngành nam châm đất hiếm thế giới được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có lợi thế về thuế quan và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Các chuyên gia dự báo, với năng lực sản xuất ngày càng lớn mạnh và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ngành công nghiệp nam châm vĩnh cửu đất hiếm của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng, trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng và điện tử trong thời gian tới.