Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, trong tháng 10 qua, Sở đã tiếp tục phối hợp với Cục Công Thương địa phương nghiên cứu quy định, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu.
Đồng thời, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh triển khai các bước thành lập cụm công nghiệp Tân Hà 3, cụm công nghiệp Gia Huynh và bổ sung ngành nghề cụm công nghiệp Tân Bình 1.
Ngoài ra, Sở đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Bình Thuận; hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình Thuận, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia Đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư thị trường Hoa Kỳ và khảo sát hội chợ quốc tế Private Label Show 2024 hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký tham gia chương trình theo quy định của Ban Tổ chức.
Trong những tháng cuối năm, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ lên Kế hoạch và triển khai công tác chuẩn bị tham gia Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung Lạng Sơn 2024; chuẩn bị công tác tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi huyện Tánh Linh (tháng 11/2024); tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn về Hiệp định thương mại tự do năm 2024; triển khai công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
"Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, giải quyết một số vấn đề có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện đầu tư của các dự án điện đang đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chuẩn bị các thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện các dự án nguồn điện như nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch", Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Hoà cho biết.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, trong tháng 10/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 31,91% so với tháng trước và tăng 49,00% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,53% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 22,01%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 63,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,39%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, IIP của Bình Thuận tăng 9,13% so với cùng kỳ. Trong đó ngành khai khoáng giảm 4,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,02%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,65%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,82%.
Mức tăng chung của 10 tháng năm 2024 chủ yếu do sự đóng góp của ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải,...
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh Bình Thuận tăng 9,13% so với cùng kỳ. Ảnh: Cục Thống kê Bình Thuận |
Theo thống kê, các sản phẩm sản xuất 10 tháng năm 2024 cũng tăng so với cùng kỳ.
Thủy sản đông lạnh tăng 7,79%; muối hạt tăng 55,72%; hạt điều nhân tăng 6,71%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) tăng 9,66%; quần áo may sẵn tăng 5,9%; nước máy sản xuất tăng 6,2%; điện sản xuất tăng 10,81%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 36,8%; giày, dép các loại tăng 66,15%; gạch các loại tăng 3,44%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác cũng ghi nhận sản xuất giảm mạnh như: Cát sỏi các loại giảm 24,96%; đá khai thác giảm 3,89%; thủy sản khô giảm 26,14%; nước mắm giảm 16,22%; sơ chế mũ cao su giảm 2,84%; thức ăn gia súc giảm 16,51%.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tiếp tục được duy trì ổn định. Trong đó các nhóm ngành hàng chủ lực của các doanh nghiệp như: da giày, may mặc, ba lô túi xách, hải sản, gỗ, giấy cao cấp, hạt điều đã có được đơn hàng ổn định.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục được duy trì ổn định. Ảnh: UBND Bình Thuận |
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 461,4 tỷ đồng, tăng 11,64% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng năm 2024 ước đạt 3.001,3 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước và đạt 59,03% so với kế hoạch năm.
Trong tháng 10 vừa qua, tỉnh Bình Thuận không có dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có 2 dự án chấm dứt hoạt động. Tính chung lũy kế 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 16 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 4.720,6 tỷ đồng; có 19 dự án điều chỉnh; 12 dự án khởi công xây dựng; 11 dự án đi vào hoạt động kinh doanh; có 21 dự án thu hồi.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.635 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.770.870 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với tình hình đăng ký kinh doanh, tính từ ngày 15/9 đến ngày 14/10/2024, tỉnh có 65 doanh nghiệp thành lập mới (không tính đơn vị trực thuộc), giảm 27,77% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký mới 666,41 tỷ đồng, tăng 44,36% so với cùng kỳ năm trước. Giải thể 8 doanh nghiệp và 26 đơn vị trực thuộc, giảm 11,11% so với cùng kỳ năm trước. Tạm ngừng hoạt động 27 doanh nghiệp, tăng 22,72% so với cùng kỳ năm trước. Đăng ký thay đổi 101 doanh nghiệp, tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, Bình Thuận có 585 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8,01% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký 5.743,256 tỷ đồng, giảm 11,17% so với cùng kỳ năm trước. Gỡ cảnh báo vi phạm 5 trường hợp, cảnh báo 5 doanh nghiệp, thông báo vi phạm 3 trường hợp, xử phạt 3 trường hợp.