Thứ sáu 29/11/2024 00:24

Diễn đàn khử carbon châu Á: Thúc đẩy phát triển nhiên liệu sinh học

Tại diễn đàn, các chuyên gia sẽ thảo luận các xu hướng chính sách, ích lợi của nhiên liệu sinh học, thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Ngày 29/6, tại thành phố Đà Nẵng, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (U.S Grains Council) tổ chức Diễn đàn khử carbon châu Á: Nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023.

Diễn đàn có sự tham dự của các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương; đại diện các Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng; các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, các thương nhân đầu mối xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu; Phòng Nông Nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ.

Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thúc đẩy phát triển nhiên liệu sinh học sẽ góp phần xanh hóa nền kinh tế

Phát triển nhiên liệu sinh học để góp phần xanh hóa nền kinh tế

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, nhiên liệu sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Tại Hoa Kỳ, nhiên liệu pha trộn ethanol đã được sử dụng từ những năm 2006, có trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới sẽ bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85.

Hoa Kỳ hiện là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất trên thế giới với công suất 60 tỉ lít/năm, đồng thời cũng là quốc gia xuất khẩu ethanol nhiều nhất với trên 5 tỉ lít/năm. Ethanol và các đồng sản phẩm (co-product) đóng góp hơn 40 tỉ USD cho tổng sản phẩm nội địa hàng năm cho Hoa Kỳ. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippin, Thái Lan là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 15 năm nay.

Ở Việt Nam, với mục tiêu là phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều đề án, quyết định về phát triển nhiên liệu sinh học, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống….

Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, đến nay, 100% các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam chỉ kinh doanh 02 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95.

Vụ Thị trường trong nước kỳ vọng với các nội dung thảo luận tại diễn đàn hôm nay sẽ là những đóng góp chất lượng, quý giá và có giá trị nhằm thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan về xu hướng chính sách, ích lợi của nhiên liệu sinh học, góp phần tuyên truyền khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, góp phần xanh hóa nền kinh tế”, bà Nga nói.

Thông tin tại Diễn đàn, ông Ralph Bean – Tham tán nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, Việt Nam hiện là thị trường đang có sự phát triển lớn. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu về nông nghiệp của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt vượt mốc 10 tỷ USD. “Diễn đàn hôm nay sẽ là dịp để thảo luận tăng cường việc phát triển nhiên liệu ethanol, đáp ứng nhu cầu năng lượng, từ đó đáp ứng sự phát triển và phát triển bền vững”, ông Ralph Bean nói và cho biết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ ký tháng 10/2020 đã đặt nền tảng cho hợp tác và nguồn lực kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Ông Caleb Wurth, Giám đốc vùng, Hiệp hội Ngũ cốc Hoa Kỳ cho rằng khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học sẽ đóng góp cho phát triển bền vững

Theo ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Diễn đàn Khử carbon Châu Á: Nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023 được tổ chức trong thời điểm hiện tại rất có ý nghĩa, đặc biệt là khi Việt Nam đã ký kết cam kết Net ZERO vào năm 2050 tại COP26. Thời gian để Việt Nam thực hiện các cam kết không còn nhiều, vì vậy, diễn đàn hôm nay sẽ hữu ích cho quá trình tái khởi động lại việc phát triển mạnh nhiên liệu sinh học Việt Nam.

Ông Caleb Wurth, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ cho rằng thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, biến đổi khí hậu. Việc khuyến khích phát triển, sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ góp phần vào phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cần có lộ trình mới cho phát triển nhiên liệu sinh học

Ông Vũ Kiên Trung – Đại diện Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam cho biết, Việt Nam đã áp dụng chương trình pha trộn nhiên liệu sinh học vào xăng với tỷ lệ 5% (E5) kể từ năm 2010. Điều này đã giúp giảm lượng khí thải và tăng cường sự bền vững trong ngành năng lượng.

Xăng E5 đã được phân phối rộng rãi trên toàn quốc, nhưng tình trạng tiêu thụ chưa đạt được mức kỳ vọng.

Những thách thức mà các đơn vị sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam đang gặp phải là rất nhiều. Trong đó, có thể nhắc đến những nguyên nhấn lớn đó là người tiêu dùng còn lo ngại về chất lượng và hiệu suất của xăng sinh học so với xăng thông thường; người tiêu dùng còn thiếu thông tin và kiến thức về lợi ích của nhiên liệu sinh học và xăng sinh học; số lượng sử dụng xăng sinh học và nhiên liệu cho xăng sinh học (cồn khan) quá thấp, gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa (đầu ra khó khăn); không có nguồn nguyên liệu chủ động cho sản xuất.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 đang có chiều hướng giảm

Theo ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng tiêu thụ xăng E5 đang có xu hướng giảm. Thống kê sản lượng tiêu thụ xăng E5 của Petrolimex từ năm 2018 đến nay cho thấy sản lượng tiêu thụ xăng E5 đã giảm từ hơn 2 triệu lít năm 2018 đến năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu lít và 5 tháng đầu năm 2023 chỉ còn hơn 544 nghìn lít. Lý do là bởi tiêu chuẩn xăng E5 mới ngang với tiêu chuẩn EURO 2; trong khi các phương tiện giao thông đời mới (gồm cả xe máy và ô tô) đều muốn sử dụng xăng ngang tiêu chuẩn EURO 3,4 (Xăng RON95).

Theo bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng – Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), Vụ đang chủ trì và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Theo đó, lộ trình phải thúc đẩy nhiên liệu sinh học trong thời gian tới để đáp ứng những nhu cầu về chuyển dịch năng lượng, đảm bảo Net ZERO vào năm 2050 là vấn đề rất cấp thiết.

Đại diện Vụ Dầu khí và Than đề xuất rà soát lại lộ trình phát triển xăng E5 để trong thời gian tới sẽ có lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học mới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới, với tình hình phát triển và yêu cầu của Việt Nam. “Nếu như nhìn vào thực trạng hiện nay mà chưa có sự đánh giá toàn diện và lộ trình phát triển mới thì sẽ rất khó khăn cho việc phát triển nhiên liệu sinh học”, bà Quỳnh nói và đề xuất Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cần có những đánh giá lại kết quả sản xuất trong thời gian qua cũng như đề xuất chính sách cho phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn khử carbon Châu Á: Nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023

Trong khuôn khổ chương trình, Diễn đàn khử carbon châu Á: Nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023 sẽ tập trung trao đổi về xu hướng và chính sách phát triển nhiên liệu sinh học trong khu vực và trên toàn cầu; sự tương thích đối với các phương tiện vận tải và nhận thức người tiêu dùng; vai trò của nhiên liệu sinh học trong tiến trình chuyển đổi nhiên liệu xanh; cơ hội cho nhiên liệu sinh học trong những lĩnh vực mới và các giá trị gia tăng khác cho Việt Nam.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Nhiên liệu sinh học

Tin cùng chuyên mục

Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống sắp về đích

Lào Cai cam kết giải quyết vướng mắc các dự án truyền tải điện

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Công ty TNHH Trung Linh Phát

EVN và NSMO 'bắt tay' vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia

Bắc Giang: Đề xuất xây dựng mới các kho xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Từ thông điệp của Tổng Bí thư: Quyết liệt chống lãng phí, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu - Bài 4: Chuyên gia, nhà quản lý nói gì?

Quy định mới nhất về vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Các nhà máy nhiệt điện chuẩn bị cấp điện cho mùa khô 2025 ra sao?

Phát triển điện hạt nhân: Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, hướng tới Net Zero

Liên minh châu Âu mua khí tự nhiên hóa lỏng của Nga tăng 150% trong 3 năm

Hoà lưới thành công tổ máy 1 công trình Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

Ông Donald Trump dự định dỡ bỏ lệnh cấm cấp giấy phép xuất khẩu LNG

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực Trung Bộ

Nâng cao kỹ năng nghề truyền tải: Hiệu quả từ đường dây 500kV mạch 3

Bộ Công Thương kỳ vọng đột phá phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Bắc Giang: Triển khai chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Những quyết sách 'mở đường' cho Petrovietnam vươn mình

Bộ Công Thương triển khai các Nghị định thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 220kV gần 430 tỷ đồng