Nếu quản lý Grab, Uber như taxi vận tải, đối tượng thiệt hại đầu tiên là người tiêu dùng và đối tác tài xế xe công nghệ |
Tài xế lo lắng!
Trong tuyên bố tại phiên họp dự thảo sửa đổi Nghị định 86 vào ngày 8/3/2018, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc sửa đổi quy định tại Nghị định 86/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải lần này là nhằm quản lý hoạt động của Uber, Grab “như một doanh nghiệp taxi hoạt động ở Việt Nam”. Điều này dẫn đến sự lo lắng, bức xúc của nhiều tài xế công nghệ lẫn người tiêu dùng trong những ngày gần đây.
Khi được hỏi, hầu hết tài xế đều cho biết, họ muốn làm đối tác của các nhà cung cấp ứng dụng công nghệ Grab, Uber chứ không muốn trở thành nhân viên của các đơn vị này như đề xuất của Bộ chủ quản. Nhất là hầu hết các xe Grab, Uber loại Plus hay 7 chỗ đều là xe cá nhân của các gia đình nên họ không muốn làm nhân viên của các đơn vị vận tải vì họ sẽ không còn là lao động chủ động, chạy bán thời gian như một công việc thứ hai để tận dụng xe nhàn rỗi của gia đình.
Anh Nguyễn Duy Tùng, 36 tuổi, một tài xế chạy xe GrabCar tư hơn 1 năm nay ở quận Phú Nhuận băn khoăn: “Bình thường, công việc của tôi là làm bảo vệ bán thời gian buổi tối cho một công ty xăng dầu. Do làm việc buổi tối nên ban ngày tôi dành thời gian chạy xe kiếm thêm thu nhập. Tôi không coi chạy xe là một nghề mà chỉ làm lúc nhàn rỗi nên nếu chịu thêm quản lý của công ty khác sẽ không chịu nổi...”.
Anh Hoàng Phương (quận Phú Nhuận) có xe ô tô riêng và đang có ý định chạy Grab lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập, nhìn nhận: nếu Grab và Uber bị buộc phải hoạt động như taxi, thì giá cước chắc chắn sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ là người bị ảnh hưởng đầu tiên. Ngoài ra, hàng chục ngàn tài xế đang chạy Grab và Uber cũng bị ảnh hưởng do bị giảm thu nhập. Theo anh Phương, chưa kể đến việc làm như vậy thì chẳng còn sự cạnh tranh - yếu tố để các hãng xe nâng cấp chất lượng dịch vụ của họ. Và rồi chất lượng dịch vụ sẽ ngày càng kém như taxi truyền thống hiện tại. “Việc nào có lợi cho dân thì nên khuyến khích, tạo cơ chế phát triển. Đi Uber hay Grab người đi biết trước giá, đường đi, tên tài xế, số xe..., còn taxi tự do chạy lòng vòng chặt chém vô tội vạ, không thể quản như thế được” - anh Phương chia sẻ.
Theo dự thảo của Nghị định 86 mới thì những xe chưa được đăng ký dịch vụ vận tải hành khách cá nhân công cộng sẽ không được tham gia chở khách. Điều đó có nghĩa hàng chục ngàn chiếc xe nhàn rỗi mà chủ nhân muốn được sử dụng chở khách khi nhàn rỗi sẽ không được phép tham gia vận hành dịch vụ để gia tăng thu nhập. “Tôi ở quận Tân Phú, thường phụ gia đình bán hàng vải vóc, quần áo ở chợ Tân Bình. Khi nào có khách đặt hàng thì mình đi giao. Nên thời gian rảnh rỗi, tôi đăng ký chạy cả hai ứng dụng để chở khách. Khi nào có khách thì mình đi chứ bây giờ bắt tôi đi đăng ký xe dịch vụ thì không thể chấp nhận được vì có lúc như dịp cuối tuần, lễ tết hàng nhiều, tôi tắt ứng dụng mấy ngày có chở khách đâu”, anh Trần Duy Hùng, một tài xế chạy xe công nghệ khác bức xúc.
Đồng quan điểm trên, anh Vũ Văn Lùng (Q. Tân Phú) tài xế Grabcar Plus và anh Lê Văn Hải (Q. 12) tài xế xe Grabcar 4 chỗ cho biết, cả hai đều chạy xe nhà tận dụng lúc rảnh rỗi để thêm thu nhập cho gia đình. Anh Lùng chỉ chạy khoảng thời gian rảnh từ 15h đến 21h hàng ngày, còn anh Hải chạy nguyên ngày. Anh Hải bức xúc phân tích: tại sao nhà nước nói không quản được trong khi chúng tôi đăng ký rõ ràng với các hợp tác xã, tên tuổi tài xế, biển số xe, lộ trình số tiền đều hiện rõ? tiền thuế đóng đầy đủ trên mỗi cuốc xe?
Anh Nguyễn Văn Tiến (quận Bình Thạnh), một tài xế xe công nghệ cho rằng, không nên quá cứng nhắc là phải quản lý Grab, Uber như taxi, vì mỗi loại hình có đặc điểm và lợi ích khác nhau. Có thể lập nên một loại hình mới dành riêng cho Grab, Uber với các chế tài quản lý rõ ràng, công bằng, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và người sử dụng mà vẫn đảm bảo đặc tính riêng của loại xe hợp đồng điện tử. Việc Grab, Uber được chọn lựa nhiều hơn xe taxi là do nhu cầu người sử dụng về giá thành minh bạch, chất lượng dịch vụ và sự tiện lợi cuả ứng dụng chứ không phải do Grab, Uber” – anh Tiến nêu quan điểm.
Người tiêu dùng hoang mang
Chị Ngọc Hân, làm việc cho một công ty của Nhật trên đường Đồng Khởi, Q.1 chia sẻ: hàng ngày chi đi làm từ Q.7 sang Q.1 bằng 2 phương tiện chính là xe bus, Grabcar và Uber rất tiện lợi, không phải căng thẳng lái xe, chi phí phù hợp, dịch vụ tốt và thích hợp với giờ giấc của chị. Nay nếu chuyển Grab và Uber như taxi chị sẽ phải đau đầu để tìm xem phương tiện nào phù hợp. Vì “ tôi rất ngán taxi, chưa nói đến chuyện giá cao không có sự lựa chọn về giá mà xe… hôi và dơ hơn rất nhiều” - chị Hân khẳng định.
Chị Nguyễn Ngọc Diệp- Giám đốc công ty TNHH HomeCare (quản lý nhà chung cư) ở quận Bình Chánh lo lắng: có xe Grab, Uber chị đặt xe đưa đón con đi học rất tiện và yên tâm vì hiện trước ảnh, tên tài xế, biết được đánh giá của khách hàng với tài xế nên có thể hủy nếu mình cảm thấy không yên tâm về tài xế đó. Đặc biệt con chị đi học hàng ngày nên tiết kiệm khá nhiều tiền so với taxi. Giờ nếu quản Grab, Uber như taxi sẽ là bài toán đau đầu về chuyện đưa đón cậu con trai 10 tuổi của chị đi học hàng ngày.
Nỗi lo của chị Diệp cũng là mối quan tâm của chị Nguyễn Thủy, kinh doanh trong lĩnh vực cà phê và bất động sản, mẹ của 3 cô con gái tại quận Hải Châu (Đà Nẵng). Chị Thủy nêu quan điểm: Grab, Uber phát triển phù hợp với xu thế của thế giới góp phần tăng trưởng kinh tế, có lợi cho người dân tại sao lại cứ phải quy về một cái khung cũ kỹ là taxi để quản lý mà không trở thành loại hình mới để tăng cạnh tranh?
Trong một cuộc trao đổi gần đây với báo giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm: các ứng dụng chạy xe kiểu như Grab, Uber mặc dù là cung cấp dịch vụ vận tải nhưng đó chưa hẳn là một hãng taxi. Đây là hình thái kết nối, chia sẻ mới của mô hình kinh tế thời công nghệ cao 4.0. Nó là đặc trưng mang ưu điểm của kinh tế chia sẻ thời cách mạng 4.0. Đây là lý do và bản chất khiến giá thành dịch vụ rẻ hơn các loại hình khác tương đương. Nghĩa là, người chạy xe không đầu tư xe chỉ để chạy vận tải, không vận hành trong một bộ máy cồng kềnh và chủ động trong vai trò tự quản lý hơn. "Không chỉ có trong dịch vụ vận tải, mô hình kinh tế chia sẻ tận dụng ưu thế của CNTT cũng đang nhen nhóm trong các dịch vụ khác ở xã hội Việt Nam và khu vực như nhà ở Homstay (thay thế khách sạn, nhà nghỉ), thông tin, sách…"- bà Phạm Chi Lan phân tích. |