Đáp ứng yêu cầu cam kết lao động, cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu sang EU
Quyền của người lao động được thể chế hoá
Đến nay, các cam kết về lao động, công đoàn của Việt Nam trong các FTA nói chung và Hiệp định EVFTA cơ bản đã được nội luật hoá trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Các nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động theo Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1998 đều đã được bảo vệ trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Đặc biệt, /chu-de/bo-luat-lao-dong.topic năm 2019 đã công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Những quy định này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của ILO và thực hiện cam kết về lao động, công đoàn trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; giúp người lao động có thêm cơ hội được lựa chọn thành lập, gia nhập hoặc tham gia các tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Hệ thống luật Việt Nam về lao động không ngừng hoàn thiện và tiệm cận các quy định với tiêu chuẩn của thế giới. Ảnh: TTXVN |
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw, các cam kết lao động đã được nội luật hoá trong Bộ luật Lao động năm 2019, cũng như trong các nghị định, thông tư… Qua đó, làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng hoàn thiện và tiệm cận các quy định với tiêu chuẩn của thế giới. Trên cơ sở đó, Nhà nước quản lý được thuận lợi và quyền của người lao động cũng được thể chế hoá.
Là ngành sử dụng lực lượng lao động rất lớn, khoảng 1,5 triệu lao động và hàng hoá được xuất khẩu đi nhiều thị trường. Chính vì thế, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, đối với ngành da giày việc đáp ứng các cam kết, yêu cầu về lao động luôn đặt ra hàng đầu, nếu các nhà máy không thực hiện, tuân thủ đúng chắc chắn đơn hàng xuất khẩu sẽ không thành công.
Mặt khác, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, việc thúc đẩy thực thi các cam kết trong EVFTA và tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế về lao động là điều tất yếu đối với doanh nghiệp xuất khẩu và ngành da giày. “Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều luật của Việt Nam cũng là một trong những điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành da giày đều ý thức được rõ ràng”- bà Xuân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thanh Xuân đánh giá, khi tham gia hội nhập sâu, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng được cải thiện nhằm tiệm cận với các yêu cầu quốc tế, đây là một tác động để nâng cao nội lực của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu về lao động. “Ngành da giày rất tự hào khi đáp ứng cũng như chăm lo được tốt cho điều kiện của người lao động và đã xuất khẩu thành công thể hiện rất rõ qua các con số tăng trưởng hàng năm”- bà Xuân cho hay.
Tuy nhiên theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SBLaw, Việt Nam đã nỗ lực để nội luật hoá các tiêu chuẩn của ILO qua Bộ luật Lao động. Song, ở góc độ pháp lý vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, cần phải hoàn thiện, đó là chế định liên quan đến lao động trẻ em chẳng hạn.
TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cũng nêu rõ, các vấn đề về lao động trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa thực sự được hoàn thiện. Do Việt Nam đang từng bước xây dựng hệ thống quan hệ lao động phù hợp hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đơn cử, quyền tổ chức, thương lượng tập thể của người lao động tự do, người lao động trên các nền tảng… cũng chưa có được quy định cụ thể.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật
Theo Sách Trắng 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), EU rất quan tâm tới việc cải thiện chất lượng lao động, quyền lao động và cam kết lao động, đặc biệt là trong thời điểm Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình hội nhập toàn cầu; ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Trong Hiệp định EVFTA cũng đã có một chương nội dung nhấn mạnh và toàn diện về Thương mại và Phát triển Bền vững, giải quyết nhiều vấn đề bao gồm các vấn đề lao động liên quan đến quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Mục tiêu là để thúc đẩy sự tương hỗ giữa thương mại, đầu tư và chính sách lao động cũng như để đảm bảo rằng việc tăng cường thương mại sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Để thực hiện có hiệu quả EVFTA, EuroCham cho rằng, Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường làm việc trong quá trình chuẩn bị và thực thi các quy định hiện hành cũng như việc thông qua các bộ luật trong tương lai.
TS. Phạm Thị Thu Lan cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 đã công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp. Việc có quy định này Việt Nam thể hiện kiên quyết, tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới. Mặc dù vậy, một vấn đề đặt ra đó là khi pháp luật cho phép người lao động thành lập tổ chức ở cơ sở sẽ tác động như nào tới công đoàn, bởi công đoàn tại doanh nghiệp cũng là tổ chức của người lao động tại cơ sở.
Vì thế, TS. Phạm Thị Thu Lan cho rằng, người sử dụng lao động như các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực như da giày, dệt may sẽ phải có nhiều giải pháp làm sao để hài hoà lợi ích cho người lao động khi trong một môi trường có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động.
Về vấn đề này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần làm rõ vai trò và mối quan hệ trong trường hợp cả “tổ chức lao động mới” và “công đoàn truyền thống” đều cùng tồn tại trong một doanh nghiệp trong các quy định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2019 mới và Luật Công đoàn sửa đổi. Cũng như sửa đổi các quy định về kinh phí công đoàn cho cả hai loại hình tổ chức để đảm bảo rõ ràng, thận trọng, công bằng và phản ánh đúng quyền lợi của cả hai tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng nêu ý kiến, Việt Nam cũng cần xem xét một số công ước của ILO chưa tham gia, qua đó thúc đẩy, nghiên cứu, gia nhập để thực hiện theo cam kết của EVFTA về các quy định lao động. Ngoài ra có một số quy định của pháp luật về lao động Việt Nam chưa tương thích với quốc tế nên cần rà soát, sửa đổi kịp thời.
Về phía doanh nghiệp, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các doanh nghiệp phải nâng cao, nhận thức rõ rệt hơn thông qua việc xây dựng những bộ phận chuyên biệt để thực thi những nội dung cam kết. Đặc biệt, hiện nay chuỗi cung ứng ngày càng trở nên minh bạch, hiệu quả, bền vững, nên một trong những yếu tố là lực lượng lao động sẽ không tập trung phát triển về số lượng nữa mà phát triển về chất lượng lượng. “Có nghĩa, doanh nghiệp phải nâng cao kĩ năng, tay nghề của người lao động mới nâng cao được năng xuất chất lượng, cải thiện năng suất cho hoạt động sản xuất kinh doanh”- bà Xuân nhấn mạnh.