Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
Những nỗ lực, cố gắng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi phát triển.
Đưa chính sách vào đời sống
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan làm công tác dân tộc là thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc (gọi tắt là Nghị quyết 24) trong tình hình mới với nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Chương trình hành động của Chính phủ đã xác lập một hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể hóa Nghị quyết 24, các chính sách dân tộc đã được ban hành bao quát trên nhiều lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, y tế, chăm sóc sức khỏe, khoa học và công nghệ… đồng thời đã thu hút lượng lớn nhân lực, nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế.
Hiệu quả của những chủ trương chính sách trên đã đã mang lại những đổi thay rõ nét tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điển hình phải kể đến huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.
Là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, là một trong 63 huyện nghèo nhất của cả nước; là địa bàn có 17 thành phần dân tộc cùng sinh sống, với diện tích tự nhiên là 44.497,54 ha, trong đó có 13.165 ha đất trồng cây hàng năm, chiếm 29,6%; diện tích vùng núi đá là 30.171 ha, chiếm 67,8% tổng diện tích tự nhiên không thể sản xuất được.
Diện tích đất canh tác ít, bình quân 0,4ha/hộ; Sản xuất thuần nông, độc canh cây ngô là chủ yếu; thời tiết khí hậu không thuận lợi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; sản xuất chủ yếu một vụ/năm; thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; huyện có 17 xã và 2 thị trấn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025 là 67,96%. trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận nhân dân còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, huyện Đồng Văn đã tập trung triển khai nhiều biện pháp giúp người dân nắm bắt thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn việc làm thể tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Hằng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác lao động, giải quyết việc làm; đồng thời thực hiện tư vấn, định hướng, ký kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện để giải quyết việc làm ổn định cho người lao động và tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đến với người dân...
Theo thống kê năm 2022, dân số huyện Đồng Văn có trên 84.555 người, trong đó trên 98% dân số sinh sống tại khu vực đặc biệt khó khăn, lực lượng lao động trong độ tuổi là trên 42.800 lao động, chiếm khoảng 50,6% dân số, trong đó lực lượng lao động là thanh niên là 21.125 người, chiếm 24,9% dân số, lao động chủ yếu là nông nghiệp, thu nhập thấp, do đó nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động là rất lớn; tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 67,96%; hộ cận nghèo chiếm 12,38%.
Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc
Trước bài toán về giải quyết việc làm để xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững thì huyện Đồng Văn đã tìm nhiều giải pháp chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ - việc làm tỉnh Hà Giang, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tuyên truyền, kết nối dịch vụ việc làm.
Theo đó, cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Đồng Văn đã tổ chức tư vấn trực tiếp tại 19 xã, thị trấn để định hướng người lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp uy tín, đồng thời hàng năm tổ chức lễ gặp mặt người lao động ngay từ đầu năm để định hướng tư vấn cho người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người lao động bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội nghị, hệ thống văn bản triển khai toàn huyện; lồng ghép trong các buổi tập huấn, sinh hoạt thôn, bản; thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân…
Đơn cử như thông qua công tác phối hợp với Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, Đồng Văn đã triển khai tư vấn trực tiếp tại 10 cụm xã, thôn và tư vấn tại các trường học trên địa bàn huyện. Qua đó đã có 22 học viên đang học tại Trường cao đẳng Than - Khoáng sản, sau khi tốt nghiệp các em học sinh này được tiếp nhận đi làm ngay theo đúng cam kết, đạt bình quân 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày công.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tư vấn việc làm cho bà con vùng cao huyện Đồng Văn |
Toàn huyện tính đến tháng 8/2022 đã tổ chức được 26 hội nghị tư vấn trực tiếp tại 19 xã, thị trấn, tổng số lượt người lao động tham gia nghe tư vấn là 1.487 người, sau các hội nghị có 289 người lao động đăng ký đi làm việc ngoại tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đồng Văn cho biết: “Trong năm 2021 số lao động ngoại tỉnh của huyện Đồng Văn là 3.685 lao động; số lao động đã trở về địa phương là 3.327 lao động, lao động chủ yếu tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên đã ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động”.
“Huyện Đồng Văn là huyện có nhiều nhân lực trong độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm lớn, trước đây khi Trung Quốc còn mở cửa thì người dân thường tự do sang Trung Quốc lao động, nhưng khi xẩy ra đại dịch Covid-19 thì Trung Quốc đã đóng cửa nên việc làm cho người lao động tại địa phương là rất khó khăn, do vậy huyện đã xác định tạo việc làm cho người lao động và thu nhập ổn định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, chính vì vậy trong thời gian qua, huyện Đồng Văn luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ, kết nối, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn”, ông Chiểu chia sẻ.
Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến hết tháng 8/2022, toàn huyện đã có 9.622 người lao động đi làm việc ngoại tỉnh, trong đó có 539 lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp cũ. Số lao động chủ yếu làm việc tại thị trường lao động các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng…, tuy nhiên đến nay đã có 495 lao động quay trở về địa phương. Số lao động có việc làm tại địa phương là 620 người.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Trong thời gian tiếp theo UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ - việc làm tỉnh, Công ty Cổ phần nhân lực AMA, các công ty, doanh nghiệp được Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh giới thiệu tổ chức tuyên truyền tư vấn, kết nối người lao động với doanh nghiệp. Để từ đó, người lao động nắm được các thông tin, địa chỉ của doanh nghiệp tạo cơ hội cho người lao động có khả năng tìm việc làm và có việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân..
Cùng với đó, Đồng Văn sẽ đẩy mạnh thông tin các chính sách hỗ trợ cho lao động đi làm việc ngoài tỉnh theo Nghị quyết số 27/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang, về hỗ trợ người lao động tỉnh Hà Giang đi làm việc ở nước ngoài và đi làm việc ngoài tỉnh; đồng thời huyện sẽ tiếp tục tổ chức giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề tuyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Tuyên truyền cho người lao động tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người lao động có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.