Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến tháng 11 năm 2021, hệ thống nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 75.000MW; 9.105km đường dây 500kV, 17.935km đường dây 220kV; 34 trạm biến áp (TBA) 500kV và 136 TBA 220kV; tổng dung lượng máy biến áp (MBA) đạt 107.825 MVA. Hệ thống lưới điện đã bao khủ khắp đất nước, bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước và đời sống nhân dân, có liên kết với các nước láng giềng. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.
Đặc biệt, với trên 17.000MW, nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) đã giúp Việt Nam vượt xa mục tiêu đặt ra, trở thành quốc gia đi đầu trong ASEAN về phát triển điện NLTT. Bên cạnh đó, hàng nghìn km đường dây 220 - 500kV, đặc biệt là đường dây 50kV Bắc Nam mạch 2 được hoàn thiện, mạch 3 được triển khai xây dựng. Cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải cũng dần hình thành, hàng trăm km đường dây các cấp điện áp được tư nhân đầu tư, mở ra một hướng đi mới cho thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục căng thẳng nhưng điện sản xuất và tiêu thụ điện vẫn tăng ở mức trên 3%, đặc biệt khu vực miền Bắc tăng trên 8%. Báo cáo của EVN cho thấy, lũy kế điện sản xuất và nhập khẩu 11 tháng đạt 233,67 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ; điện thương phẩm đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2020.
Hạ tầng lưới điện truyền tải tiếp tục được cải thiện |
EVN khẳng định, hệ thống điện quốc gia sẽ đáp ứng đủ nhu cầu về điện cho phát triển KTXH trong giai đoạn bình thường mới. Không chỉ đảm bảo đủ điện, thị trường điện Việt Nam còn hướng tới sự cạnh tranh. Đến nay, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của thị trường điện cạnh tranh đầy đủ. Các dịch vụ điện ngày càng đa dạng thích ứng với lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng đã vươn lên đứng thứ 27/190 nền kinh tế của thế giới.
Có thể nói, hạ tầng điện ngày càng hoàn thiện đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khắp cả nước thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu; góp phần xóa đói, giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn mới...
Bám sát định hướng, phù hợp với cam kết quốc tế
Trong giai đoạn 2021 - 2030, dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt bình quân khoảng 6,6%/năm; giai đoạn 2031 - 2045, bình quân khoảng 5,7%/năm. Để đáp ứng mục tiêu này, Việt Nam đã dự tính và xây dựng các chiến lược, quy hoạch nhằm đảm bảo đủ điện cho phát triển bền vững, phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và các cam kết quốc tế.
Triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TWvề định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chiến lược khác về năng lượng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu và chỉ đạo thực hiện những cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo hướng xanh và bền vững. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát Quy hoạch điện VII điều chỉnh; kiểm tra, khảo sát, đánh giá và bàn bạc với các địa phương để thống nhất tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư và quy mô đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng điện, nhất là điện NLTT, điện sạch trên cả nước. Tiếp tục rà soát và hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với quan điểm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện cùng với hạ tầng lưới điện và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn điện NLTT, điện sạch; không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới.
Trên thực tế, thời gian qua, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Bộ Công Thương, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam đã dần thay đổi theo hướng giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng điện NLTT. Tính đến tháng 10/2021, nguồn điện than trong tổng nguồn điện chỉ còn 32%, điện dầu 2% (chủ yếu để dự phòng), nguồn NLTT đạt 27%, thủy điện 29%, 9% nhiệt điện khí, 1% nhập khẩu.