Đắk Nông: Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,41%
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng
Trong quy mô sản xuất công nghiệp, công nghiệp khai khoáng tăng 4,98%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,01%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 6,35%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,12%. Nhìn chung, trong nửa đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định.
Sản xuất công nghiệp Đắk Nông có sự tăng trưởng trong nửa đầu năm |
Bên cạnh đó, một số nhà máy không đảm bảo được nguồn nguyên liệu để sản xuất, thị trường tiêu thụ giảm nên giảm sản lượng sản xuất như: sản phẩm Cồn tinh luyện và khí CO2 sản xuất theo đơn đặt hàng; đậu phộng, đậu nành sấy; ván ép từ gỗ thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, chi phí đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, so với 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước tăng so với cùng kỳ, như: Đá xây dựng ước đạt 435 nghìn m3, tăng 6,4%; gạch xây dựng bằng đất sét nung ước đạt 38 triệu viên, tăng 2,7%; tinh bột sắn ước đạt 16.085 tấn, tăng 12%; cà phê bột ước đạt 953 tấn, tăng 5,5%; chế biến cà phê nhân ước đạt 141.000 tấn, tăng 0,7%; sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ... bằng gỗ ước đạt 37.943 sản phẩm, tăng 2,3%...
Về tình hình phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện toàn tỉnh có 04 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 149,61 ha. Trong đó có 02 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm cụm công nghiệp Thuận An có 17 dự án đầu tư, với diện tích đất thuê lại là 16,68 ha; số vốn đăng ký đầu tư 319,42 tỷ đồng và giải quyết được việc làm cho khoảng 200 lao động và tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I đạt 96,06%. Cụm công nghiệp BMC, có 03 nhà đầu tư ký kết hợp đồng thuê đất với diện tích 31.716 m2 để triển khai dự án.
Nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển, địa phương luôn chú trọng đầu tư cho hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh /chu-de/tinh-dak-nong.topic để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho nhu cầu hoạt động sản xuất và sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.
Hiện tại, có 02 dự án thuỷ điện đang thi công, với tổng công suất 14MW, trong đó Dự án thủy điện Nam Long 9MW, dự kiến vận hành vào tháng 6/2023 và 04 dự án thuỷ điện đang thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng công suất 22,8MW; 01 nhà máy điện gió Nam Bình 1 (30MW) đã hoàn thành xây dựng năm 2021 nhưng chưa vận hành.
Hiện nay chủ đầu tư đang thực hiện đàm phán giá phát điện theo quy định hiện hành; 03 dự án điện gió (Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3, với tổng công suất 300MW) đang triển khai xây dựng; dự án điện gió Asia Đắk Song 1 (50MW) đang triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng.
Gỡ khó cho các dự án Alumin
Đối với các dự án Alumin, theo Sở Công Thương Đắk Nông, hiện Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân đến nay đã hoàn thiện xong phần xây dựng các hạng mục và hạ tầng kỹ thuật của Dự án với tổng số vốn đã chi khoảng 2.100 tỷ đồng. Hiện tại, chủ đầu tư đã được Tổ chức Ngân hàng MB cam kết cho vay đủ vốn để tiếp tục thực hiện Dự án.
Hiện nhà máy cũng đã ký kết hợp đồng với Tổng thầu EPC nước ngoài thực hiện các gói thầu cung cấp và lắp đặt toàn bộ hệ thống thiết bị cho Nhà máy. Theo tiến độ thực hiện Dự án của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân tại Công văn số 12/2023/LKTHQ-CV ngày 14/01/2023 thì tiến độ thống nhất trong Hợp đồng dự kiến trong Quý II/2024 sẽ hoàn thành và đưa Phân kỳ 1 của Nhà máy vào vận hành với công suất 150 ngàn tấn/năm; Quý II/2026 sẽ đạt công suất thiết kế 450 ngàn tấn/năm.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án, đặc biệt là để cho chủ đầu tư an tâm tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng cũng như tiến hành lắp đặt thiết bị theo kế hoạch đã đề ra, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành để chủ trì, phối hợp cùng với tỉnh Đắk Nông đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án và thực hiện chủ trương nhất quán về cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông theo Công văn số 11026/VPCP-CN ngày 03/12/2019 của Văn phòng Chính phủ về đầu tư Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (Công văn số 551/SCT-QLCN ngày 25/4/2023).
Còn với Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, hiện địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ từng giai đoạn đã đề ra.