Xu hướng mới
Theo ông Vy Văn Việt - Giám đốc Công ty iViettech - hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi từ offline sang online; từ phương thức truyền thống (nghe giới thiệu, xem tờ rơi, nghe tư vấn…) sang phương thức trực tuyến (tìm thông tin sản phẩm, so sánh giá, sử dụng chatbot để giải đáp thắc mắc…) để quyết định có mua sản phẩm hay không. Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp chuyển từ 4P (sản phẩm, giá, địa điểm, khuyến mãi) sang 4C (giải pháp cho khách hàng, tiện lợi, chi phí, giao tiếp). Nếu trước đây vai trò của website doanh nghiệp chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin, bây giờ đa năng với việc cung cấp thông tin, bộ mặt của doanh nghiệp, lễ tân, tư vấn, bán hàng…
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế - chia sẻ: Website có vai trò quan trọng với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất nhập khẩu. Bản chất như văn phòng giao dịch điện tử, hoạt động 24/24h với chi phí thấp hơn nhiều so với một văn phòng giao dịch thông thường. Ngồi tại văn phòng, nhân viên Hương Quế thực hiện giao dịch thương mại, mở rộng thị trường tại Việt Nam và với các nước trên thế giới. Thông qua website, công ty có thể theo dõi và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả.
Chưa khai thác hiệu quả
Ông Phan Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng - cho rằng, thực tế vận hành và khai thác website vẫn còn nhiều bất cập, giới hạn. Bản thân doanh nghiệp chưa tìm được giải pháp tận dụng và phát huy website để phục vụ cho thương mại điện tử. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho một giải pháp thương mại điện tử hay xây dựng một phiên bản website có đủ chức năng tương tác với người dùng đòi hỏi về kinh phí, nhân lực…, trong khi các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức “làm để tồn tại”.
“Là chủ doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm giày da, tôi nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử. Năm nay, để tìm kiếm giải pháp vận hành website tốt nhất, chúng tôi đã chi hàng trăm triệu đồng, nhưng trên thực tế, nếu tính cụ thể, doanh nghiệp lỗ” - ông Hải thẳng thắn.
Còn ông Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận, mỗi năm công ty chi trả khoảng hơn 20 triệu cho hoạt động của website, tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự được như mong muốn. Dù đồng tình với quan điểm, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn, nhưng ông Sơn lại cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, thương mại xuyên biên giới, cạnh tranh ngày một gắt gao, nếu doanh nghiệp không đầu tư xây dựng và sử dụng website hiệu quả sẽ bị tụt lại phía sau.
Ông Sơn phân tích: Kinh doanh theo cách truyền thống, doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại nhưng khó phát triển. Doanh nghiệp sẽ mất đi thời cơ, đối thủ cạnh tranh sẽ đến trước. Cơ hội gặp khách hàng tiềm năng là xa vời.
Doanh nghiệp TP. Đà Nẵng mong muốn có được những hỗ trợ cụ thể về việc xây dựng, khai thác website, từ đó, sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn. |