Đa dạng hình thức hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn
Cùng với nỗ lực triển khai định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp của Đảng, Nhà nước, công nghiệp nông thôn ngày một cải thiện, thậm chí đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội ở các địa phương.
Theo Bộ Công Thương, thành tựu nổi bật nhất của công nghiệp nông thôn thời gian qua là cơ khí hóa nông nghiệp. Trong nước đã sản xuất hàng loạt các loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, máy sấy do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi. Ngoài ra, còn có nhiều dây chuyền thiết bị chế biến cà phê và hạt điều.
Công nghiệp chế biến thực phẩm cũng là “điểm nhấn” quan trọng của công nghiệp nông thôn. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8-10%/năm. Bước đầu đã có một số ngành hàng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm khắt khe của các thị trường cao cấp.
Trên thực tế, bên cạnh cơ khí hóa nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghiệp nông thôn đã được Bộ Công Thương mở rộng đối tượng hỗ trợ hơn rất nhiều. Đặc biệt, thông qua chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Bộ đã chọn đối tượng “đinh” để triển khai các hình thức hỗ trợ.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là sản phẩm được nhận nhiều hỗ trợ từ Bộ Công Thương |
Ngày 17/5 vừa qua, trong khuôn khổ Lễ Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc - Hà Nội năm 2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ Tôn vinh và trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc năm 2024. Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận, 126 sản phẩm, bộ sản phẩm được bình chọn là những sản phẩm tiêu biểu của khu vực, có tiềm năng sản xuất quy mô công nghiệp, có giá trị kinh tế cao, là những sản phẩm “đinh” có thể vươn ra thị trường xuất khẩu.
Hiện, Bộ Công Thương đang rốt ráo phối hợp cùng các địa phương tổ chức bình chọn và công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam.
Cùng đó, thông qua chương trình khuyến công quốc gia, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm, sản xuất sạch hơn và quảng bá thương hiệu.
Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia được duyệt năm 2023 của cả nước là 140 tỷ đồng. Trong đó, 89,7 tỷ đồng được dành cho triển khai nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Kết quả, 9 cơ sở công nghiệp nông thôn đã được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; 272 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, chương trình khuyến công quốc gia cũng dành 23,2 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua nội dung hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm…
Về nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2024 cho nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất, Bộ Công Thương sẽ đưa vào triển khai ngay sau khi được Bộ Tài chính thống nhất.
Mới đây, Cục Công Thương địa phương cũng cho ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử D2C (fairs.vn)- cầu nối trực tiếp từ nhà sản xuất và người tiêu dùng. Sàn giao dịch thương mại điện tử D2C hiện có sự tham gia của 480 nhà sản xuất đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; 717 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia các năm 2017, 2019, 2021 và năm 2023. Đây được xác định là kênh tiêu thụ quan trọng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Dù khẳng định đã “thay da đổi thịt” tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ ra công nghiệp nông thôn vẫn tồn tại hạn chế trong hiện trạng phát triển.
Trong đó, mức độ trang bị máy động lực phục vụ nông nghiệp còn thấp. Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu máy móc phục vụ nông nghiệp (phần lớn từ Trung Quốc). Bên cạnh đó, nhiều loại sản phẩm nông lâm thủy sản chế biến được xuất khẩu ở dưới dạng sơ chế thô, giá trị thấp.
Hơn nữa, quy mô doanh nghiệp công nghiệp nông thôn thường nhỏ, hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực và dễ tổn thương trước biến động của thị trường.
Để khắc phục những hạn chế trên, bên cạnh sự chủ động nâng cao năng lực của chính bản thân doanh nghiệp, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đồng hành chặt chẽ trên con đường hiện đại hóa công nghiệp nông thôn.
Bộ sẽ tiếp tục triển khai pháp luật về đất đai và các quy định liên quan nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào công nghiệp nông thôn.
Điều chỉnh cơ chế, chính sách để hỗ trợ đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp/khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp quy mô lớn (như định hướng của một số doanh nghiệp lớn đang tiến hành, tiêu biểu là Thaco với các dự án tại Thái Bình và Chu Lai - Quảng Nam). Đồng thời, tái cấu trúc, phát triển công nghiệp chế biến nông sản theo hướng đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công và công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp nông thôn.