CPI 11 tháng tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016
9 nhóm háng hóa tăng giá trong tháng 11, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 3,11%, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Mức tăng này được đánh giá do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 26/10/2021, 10/11/2021 và điều chỉnh giảm vào ngày 25/11/2021, trong đó giá xăng A95 tăng 1.030 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.230 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 840 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng tác động đến nhóm giao thông vận tải tăng 3,11% trong tháng 11 |
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11/2021 tăng 0,46%, làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, trong đó giá điện sinh hoạt tăng 1,04% so với tháng trước do một số địa phương đã kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94% do nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh “bình thường mới” cùng với chi phí vận chuyển tăng làm cho nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 11/2021 tăng 0,33% so với tháng trước; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%.
Các nhóm hàng có mức giá tháng 11 tăng không đáng kể so với tháng trước: Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,03%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,15%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%.
2 nhóm hàng hóa giảm giá so với tháng trước là nhóm giáo dục giảm 0,92% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm, nguyên nhân được Tổng cục Thống kê lý giải, do nguồn cung dồi dào khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến và thủy sản tươi sống lần lượt giảm 4,04%; 0,34%;1,55% và 0,16%.
Mặc dù CPI 11 tháng được ghi nhận giảm thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2016 đến nay, điều này giúp khả năng kiểm soát lạm phát trong năm 2021 dưới 4% theo yêu cầu của Chính phủ là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo, áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn, do giá nguyên, nhiên liệu liên tục tăng thời gian qua. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 sẽ có hiệu lực sau một thời gian thực hiện, kích thích đến tổng cầu, kích thích tăng giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021-2022.
Theo đó, để kiểm soát lạm phát vào năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các nhóm giải pháp điều hành, bao gồm: Chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.