Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vững đà tăng trưởng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ 2021. So với năm ngoái, ngành khai khoáng giảm 4,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10%; sản xuất và phân phối điện tăng 8%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8%.
Công nghiệp chế biến-chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng |
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,4%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm, riêng ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,44 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thiết bị điện tăng 27,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 21,2%, sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 11%, sản xuất xe có động cơ tăng 10,8%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 10,6% sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) tăng 10,2%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 11,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 11,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 10,8%, khai thác quặng kim loại giảm 9,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Alumin tăng 20,3%, bột ngọt tăng 17,6%; thủy hải sản chế biến tăng 15%, quần áo mặc thường tăng 14,1%, ô tô tăng 12,2%, vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,8%, sữa tươi tăng 11,5%; xi măng tăng 11%; linh kiện điện thoại và xe máy cùng tăng 10,7%, thép cán tăng 10,5%, thức ăn cho gia súc tăng 10,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Tivi giảm 32,4%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,4%, xăng dầu các loại giảm 12,8%, điện thoại di động giảm 12,6%, vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 6,6%, thức ăn cho thủy sản giảm 4,4%.
Điểm đáng chú ý, hiện số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 3, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8% và giảm 3,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,6% và tăng 3,4%.
10 địa phương có tốc độ tăng IIP cao nhất bao gồm: Hà Giang (46,2%), Kon Tum (39,7%), Lai Châu (39,3%), Hải Dương (34,6%), Bắc Giang (23,9%), Bạc Liêu (23,9%), Quảng Bình (21,5%), Bình Phước (20,9%), Cao Bằng (19,6%). |