Công đoàn Công Thương Việt Nam: Chỗ dựa vững chắc của hơn 150 nghìn lao động
Hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm
Sau nhiều lần sáp nhập, tách rời, đến nay, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đang trực tiếp quản lý và chỉ đạo 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 515 công đoàn cơ sở; trong đó có 392 công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 123 công đoàn cơ sở trực thuộc CĐCTVN, với 142.741 đoàn viên trên tổng số 150.306 lao động.
Mang trọng trách bảo vệ và chăm lo NLĐ trên vai, hàng năm, CĐCTVN luôn đặt ra mục tiêu phải đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); tập trung nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn; bảo đảm công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động…
Công đoàn Công Thương Việt Nam nhận Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Theo đó, CĐCTN đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở triển khai nâng cao chất lượng, hiệu quả của TƯLĐTT, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước. Các bản thỏa ước được ký phải đảm bảo được quyền lợi và nhiều nội dung có lợi cho đoàn viên, NLĐ.
Đến nay, toàn ngành đã có hơn 406 đơn vị ký TƯLĐTT, chiếm tỷ lệ trên 90%; trong đó doanh nghiệp Nhà nước đạt 98%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 93,35%, doanh nghiệp FDI đạt 87,87%.
Bên cạnh đó, công đoàn còn phối hợp với cơ quan chức năng, ban chuyên môn thực hiện kiểm tra được 4.900 lượt tại một số cơ sở trực thuộc về công tác ATVSLĐ, các công đoàn cơ sở trực thuộc đã tổ chức kiểm tra 455 lượt tại một số bộ phận, đơn vị về công tác ATVSLĐ.
Ngoài ra, các cấp công đoàn còn tích cực triển khai Nghị quyết 07c/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Hiện nay, phần lớn các đơn vị đảm bảo mức ăn ca trên 20.000 đồng/người.
Lan tỏa các phong trào thi đua
Cùng với công tác chăm lo cho NLĐ, các cấp công đoàn ngành Công Thương còn tổ chức nhiều phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất, coi đó là chìa khóa vạn năng để mở ra những chặng đường phát triển mới của doanh nghiệp.
Các đơn vị trong ngành luôn duy trì tốt phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm”, “Bảo đảm vệ sinh an toàn lao động”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, riêng phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các đơn vị trong toàn ngành đã có hơn 150.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến, giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.
Để góp phần động viên, khích lệ NLĐ, hàng năm, CĐCTVN đã tổ chức Hội nghị Lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm tôn vinh những công nhân lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ phát huy thế mạnh, sức sáng tạo ở từng lĩnh vực công tác, ra sức thi đua, nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng từ những công việc cụ thể.
Ghi nhận những nỗ lực đóng góp của toàn thể công nhân, viên chức, NLĐ và sự nỗ lực của cán bộ công đoàn các cấp, nhiệm kỳ qua đã có 3 tập thể được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng 30 Bằng khen; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 95 Cờ Thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen cho tập thể, cá nhân.
Mới đây nhất, tại Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023, ngành Công Thương đã vinh dự có 6 cán bộ, đoàn viên công đoàn được trao giải. Dù khác nhau về lĩnh vực công tác, tuổi đời, tuổi nghề, điều kiện làm việc, hoàn cảnh gia đình... song các cá nhân được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần này đều có điểm chung là ý chí kiên trì, bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong sản xuất.
Nhiệm kỳ 2023 - 2028: Định hướng và đột phá
Trong 5 năm tới, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện đồng bộ, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra nhiều đổi mới, cải tiến trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặt ra cho giai cấp công nhân Việt Nam, trong đó có đội ngũ công nhân, viên chức lao động ngành Công Thương những yêu cầu, thách thức cần phải thay đổi. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn là phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, NLĐ đủ nhận thức, trình độ, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm trong điều kiện mới.
Công đoàn Công Thương Việt Nam tích cực hưởng ứng Chương trình vì phúc lợi, lợi ích đoàn viên, người lao động |
Vì vậy, nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp CĐCTVN tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, NLĐ làm đối tượng vận động với ba khâu đột phá: Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên, NLĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm; tăng cường nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Một nhiệm kỳ đã qua để lại nhiều dấu ấn của các cấp công đoàn. Nhiệm kỳ mới bắt đầu với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới. Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, CĐCTVN sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, vì quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức công nhân lao động; để mỗi đoàn viên công đoàn trong ngành có thể tự hào về tổ chức của mình.