Cổ phần hóa - bức tranh nhiều sắc thái
Mảng sáng tối trong bức tranh cổ phần hóa
Chủ trương cổ phần hóa đặt trong bối cảnh tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đó là chủ trương đúng. Mục tiêu của Nhà nước là hướng đến, phát triển hệ thống doanh nghiệp tư nhân, thông qua đó có lợi ích về thu thuế, tạo công ăn việc làm để phát triển tốt hơn, không giới hạn quy mô, phạm vi…
Cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Nhà nước |
Đánh giá bức tranh cổ phần hóa, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Cổ phần hóa là bức tranh nhiều màu sắc, sắc thái. Chúng ta cũng không nên chỉ xét về giai đoạn, mà cần nhìn rộng hơn bức tranh cổ phần hóa với nhiều màu sắc tương phản, có doanh nghiệp hoạt động tốt, một số doanh nghiệp không như mong muốn để thấy rằng câu chuyện cổ phần hóa rất khó, từ lý thuyết cho đến kế hoạch đơn thuần.
Quá trình cổ phần hóa đã góp phần làm thay đổi thể chế của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp, tạo ra sức sống mới cho một bộ phận các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa. Có thể thấy một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã làm ăn có lãi, đóng góp cho ngân sách và tạo nhiều việc làm; đồng thời, tạo ra được một “làn sóng” thu hút đầu tư xã hội hóa từ khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo cả về lượng và chất. Cụ thể, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm; Quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước không chi phối khó khăn nhưng chưa có hướng xử lý cụ thể. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa thời gian qua có không ít sai phạm cả về kinh tế, đất đai, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước…
Hạn chế trong tiến trình cổ phần hóa
Nguyên nhân dẫn đến nhiều hạn chế trong tiến trình cổ phần hóa, có liên quan đến vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật. Trong đó, chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước chưa rõ ràng, chưa tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư; cùng với đó là những lúng túng trong các vấn đề pháp lý về đất đai, về quyền sở hữu tài sản vô hình, các báo cáo về tài chính…
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về cổ phần hóa có liên quan đến quá nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, từ Luật Doanh nghiệp cho đến Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đấu giá… khi phạm vi liên quan quá lớn đã tạo ra những điểm sơ hở là không tránh khỏi.
Ông Phan Đức Hiếu chỉ ra, trong bức tranh cổ phần hóa, một số trường hợp vi phạm, thất thoát, tham nhũng là những điểm mờ trong bức tranh, nhưng chưa nhìn thấy nó toàn màu xám. Rõ ràng chúng ta thấy nhiều điểm tích cực. Ông Hiếu cho rằng, chủ trương cổ phần hóa đặt trong bối cảnh tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đó là chủ trương đúng. Không phải vì có vùng xám, vùng tối mà dừng chủ trương này. Cần tiếp tục thực hiện và khắc phục điểm vùng tối, phải nhìn rộng ra câu chuyện lớn lao hơn, mục tiêu của cổ phần hóa là có những việc Nhà nước không làm, mà nhường cơ hội cho doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh của người dân, nhà đầu tư...
Trong suốt giai đoạn vừa qua, với những khó khăn kinh tế, nhu cầu của thị trường, thoái vốn, cổ phần hóa cũng bị tác động. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan, vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật phụ thuộc vào người làm, từng việc cụ thể. Bên cạnh đó về chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, về pháp lý không rõ ràng, nhiều doanh nghiệp chưa tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư. Chưa kể, chúng ta lúng túng trong các vấn đề pháp lý về đất đai, về quyền sở hữu tài sản vô hình, các báo cáo về tài chính, về chất lượng… Rõ ràng đây là vấn đề chúng ta rất cần làm.
Cần nâng chất lượng cổ phần hóa
Theo ông Phan Đức Hiếu, các doanh nghiệp Nhà nước cần nâng cấp chất lượng hoạt động, chất lượng thông tin, làm rõ ràng về mặt pháp lý về mọi tài sản không chỉ có đất đai. Để khi đưa vào danh sách thoái vốn sẽ rút ngắn quá trình.
Được biết, chúng ta không chỉ bán vốn mà phải đặt vấn đề là Nhà nước sẽ rút ra khỏi hoạt động kinh doanh này. Khi rút ra thì cách nào ít bất lợi nhất thì mạnh dạn làm, thậm chí giải thể, phá sản, sáp nhập…, biến tài sản của Nhà nước thành tài sản công và đấu giá, đấu thầu, sử dụng hợp lý, minh bạch. Việc bán vốn phải khôn ngoan, không áp đặt ý chí chủ quan, không bán theo cách hành chính mà phải theo nhu cầu thị trường, tiếp cận nhà đầu tư. Việc chúng ta lên kế hoạch mà không thực hiện đúng kế hoạch không hẳn là lỗi, mà nó phản ánh đúng nhu cầu, chiến lược. Ở đó, vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu, các tập đoàn công ty mẹ phải có chiến lược khôn ngoan trong việc thoái vốn một cách có lợi nhất, chứ không cứng nhắc chủ quan theo mốc ngày tháng.
Bên cạnh đó việc cổ phần hóa cần có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng Quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế; phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.