Rau răm - rau gia vị, vị thuốc chữa nhiều bệnh Quất hồng bì - Bài thuốc quý từ thiên nhiên Loài hoa dại lạ mà quen: Vừa là vị thuốc vừa làm món ăn ngon |
Cỏ gấu có nhiều tên gọi dân gian khác như: Củ gấu, cỏ gấu vườn, hương phụ, thủy tam lăng, cỏ cú, sa thảo, lôi công đồng, tước đầu hương…. Tên khoa học của cỏ gấu là Cyperus rotundus L., thuộc họ Cói -Cyperaccae.
Đặc điểm nhận biết cây cỏ gấu là chúng là loại cỏ sống lâu năm, có thể cao từ 20 – 60cm. Lá cỏ gấu nhỏ, hẹp, lưng có gân nổi lên, xanh bóng và phần dưới nối liền với thân cây. Phần thân rễ của cỏ gấu phình to nên còn được gọi là củ gấu. Loại cây cỏ này thường ra hoa vào tháng 6 hàng năm, trên ngọn cây có 3 đến 8 cụm hoa hình tán màu xám nâu; nhụy có đầu núm chia thành 2 nhánh như lông tơ; quả 3 cạnh màu xám. Củ gấu có thể thu hoạch quanh nǎm.
Cỏ gấu mọc rất nhiều ở đồng ruộng, ven đường. Củ cỏ gấu được thu hoạch, rửa sạch, phơi khô dùng làm thuốc.
Cỏ gấu mọc rất nhiều ở đồng ruộng, ven đường. Ảnh minh họa |
Thành phần hoá học
Tinh dầu trong tinh dầu củ gấu có cyperen, b-selinen, cyperol; còn có a-cyperol, cyperolen, patchoulenon, cyperotundon. Củ gấu còn chứa dầu béo chứa glycerol và các acid linoleic, linolenic, oleic, myristic, stearic, chất không xà phòng hóa. Đặc biệt hoạt chất flavoinoid cũng rất tốt cho dạ dày.
Bộ phận dùng làm thuốc
Giá trị dược chất nhiều nhất có trong thân rễ cỏ gấu sau khi phơi khô. Người ta thường thu hoạch cả lá, thân, rễ cây vào mùa thu sau đó đốt bỏ phần lông và rễ xung quanh rồi mang đi phơi khô hoặc luộc.
Dưới đây là những bài thuốc trị bệnh từ cỏ gấu
Bệnh về kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, khó sinh nở, khí hư bạch đới: củ gấu, bạch đồng nữ, ngải cứu, ích mẫu (mỗi vị đều 8-10g). Sắc uống.
Chậm kinh, đau bụng dưới: Củ gấu 5g, đương quy, bạch thược (mỗi vị 10g), xuyên khung 5g, ô dược 7g, ngải diệp 3g. Sắc uống.
Băng huyết, rong kinh: Cỏ gấu sao đen, tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần, có thể kèm theo tông lư thán (bẹ cây móc, sao đen), chiêu với nước cơm.
Người ta đào củ gấu về rửa sạch đất cát, phơi khô, đốt cho cháy hết lông, cất nơi khô ráo đề dùng dần làm thuốc. Ảnh minh họa |
Kinh sớm, màu thẫm, do huyết nhiệt: Cỏ gấu tứ chế ngưu tất (mỗi vị 12g); cỏ nhọ nồi, rau má tươi (mỗi vị 30g); sinh địa, ích mẫu (mỗi vị 16g); cỏ roi ngựa 25g. Sắc uống.
Trị đau mắt, sung huyết đỏ: Cỏ gấu 12g; chi tử 8g; cúc hoa, bạc hà (mỗi vị 6g). Sắc uống.
Sôi bụng, tiết tả: Cỏ gấu, cao lương khương - riềng (mỗi thứ 12g). Sắc uống.
Đau dạ dày, ợ hơi: Cỏ gấu, can khương, mộc hương (mỗi vị 3g); khương bán hạ 10g, dùng dạng bột.
Tiêu hóa kém: Đầy bụng, ăn không biết ngon. Cỏ gấu 20g; hậu phác nam, trần bì, chỉ xác (mỗi vị 12g), nam mộc hương 16g. Sắc uống.
Chữa cảm cúm, gai rét, nhức đầu, đau mình: Cỏ gấu 12g, tía tô 10g, vỏ quýt 10g, cam thảo 4g, hành 3 cây, gừng tươi 3 lát, sắc uống.
Trị đau nhức xương khớp: Lấy phần củ gấu về, rửa sạch phơi khô. Sau đó đem cỏ gấu ngâm rượu trong vòng 1 tháng thì lấy ra xoa bóp vùng xương khớp bị đau.
Lưu ý khi dùng cỏ gấu
Tuy là thảo dược nhưng cũng không nên dùng cỏ gấu trong các trường hợp:
+ Người bệnh bị chứng âm hư huyết nhiệt
+ Có dấu hiệu dị ứng khi sử dụng cỏ gấu hay bất cứ loại thảo dược nào trước đó.
+ Không dùng cho phụ nữ đang mang thai.
Cỏ gấu có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh nhưng cũng cần phải thận trọng để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Trước khi sử dụng nên tìm hiểu thật kỹ.