Uống nước lá tía tô có tác dụng và tác hại như thế nào đối với sức khỏe? Uống nước lá tía tô có tác dụng gì? |
Tác dụng của tía tô
Từ xa xưa, dân gian đã lưu truyền nhiều bài thuốc từ tía tô, có thể kể đến như hỗ trợ điều trị cúm, ngộ độc thực phẩm, hen suyễn, virus đường hô hấp, tiểu đường...
Trong đông y, tía tô có vị cay, tính ôn, có tác dụng làm cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp tiêu hóa, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo…
Dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe song nếu uống lá tía tô mỗi ngày lại không tốt |
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt chất Priseril ở lá tía tô có vai trò cải thiện sắc tố và loại bỏ tế bào chết trên da tương đối hiệu quả. Mặt khác, thành phần vitamin E trong lá tía tô còn tăng cường độ ẩm, giúp da trở nên mịn màng.
Uống nước lá tía tô còn có thể cải thiện tình trạng mẩn ngứa, mề đay trên da. Bên cạnh đó còn có tác dụng trong hỗ trợ giảm cân, do nước từ lá tía tô có nhiều protein thực vật, khoáng chất, chất xơ và vitamin sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của dạ dày, từ đó giảm nguy cơ bị thừa cân và béo phì.
Ngoài ra có thể dùng lá tía tô đun với đường phèn để tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Vì trong hai loại này có chứa các chất chống oxy hóa, vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus.
Tác dụng phụ khi uống quá nhiều tía tô
Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, giống như mọi loại thực phẩm khác, khi sử dụng quá nhiều tía tô trong thời gian dài hoặc sử dụng không đúng cách, có thể vô tình tạo ra những tác hại khôn lường, chưa kể một số người không nên dùng lá tía tô.
Trong lá tía tô có một số hoạt chất gây bệnh cao huyết áp, nếu uống nhiều gây tổn hại đến hệ tim mạch. Ngoài ra, uống nhiều nước tía tô cũng có thể khiến cơ thể bị rối loạn tiêu hóa gây ra đầy hơi, chướng bụng và nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác.
Do đó, khuyến cáo của chuyên gia, mỗi người hàng ngày chỉ nên dùng khoảng 2 ly nước lá tía tô, chia nhỏ từng lần uống; đồng thời vẫn sử dụng nước lọc để cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.
Một số người không nên dùng nước lá tía tô
Dù có nhiều tác dụng cho sức khỏe song có một số người cần cẩn trọng khi dùng nước lá tía tô, đó là: Phụ nữ mang thai; người đang bị cảm nóng, sốt; người bị dị ứng với thành phần trong lá tía tô.
Sở dĩ là vì cơ thể phụ nữ mang thai vốn nóng hơn người bình thường, nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp. Hơn nữa, việc lạm dụng lá tía tô có thể khiến cho phụ nữ mang thai cảm thấy mệt mỏi, choáng váng.
Với những người đang bị cảm nóng, sốt, theo y học cổ truyền, lá tía tô vị cay, tính ấm, do đó những người đang bị cảm nóng cần sử dụng thận trọng kẻo khiến cơ thể ra thêm nhiều mồ hôi, bức bối, khó chịu.
Có một số trường hợp bị dị ứng với lá tía tô không nên dùng. Do đó trước khi sử dụng số lượng lớn nên uống thử một lượng nhỏ tía tô. Nếu sau 24h không thấy có phản ứng bất thường thì mới nên tiếp tục sử dụng với liều lượng tăng dần. Ngoài ra, cần đảm bảo mua được loại tía tô sạch, không có hóa chất độc hại để giữ an toàn cho sức khỏe.