Xuất khẩu hàng hóa sang Ả rập Xê út: Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo Xuất nhập khẩu hàng hóa: Nhiều tín hiệu tích cực tháng đầu năm 2024 |
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này!
Tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, xuất siêu 2,92 tỷ USD. Ông bình luận như thế nào về con số này?
Sau hơn 1 năm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã nỗ lực, thích ứng và tìm kiếm các đơn hàng từ các thị trường truyền thống, các thị trường mới và các thị trường đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Nhiều tín hiệu cho thấy đơn hàng của các ngành xuất khẩu đã tăng nhẹ trở lại |
Từ đó, các doanh nghiệp có các đơn hàng xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, trong tháng 1/2024, đơn hàng xuất khẩu nhóm điện thoại, máy tính đã có sự cải thiện.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Đây là mức tăng trưởng tương đối tốt so với thời gian trước đây.
Tín hiệu tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài khi thời điểm tháng 11, tháng 12/2023 với số lượng đăng ký vào Việt Nam lớn, mức độ giải ngân rất cao. Và bước sang tháng 1/2024, mức độ thu hút đầu tư nước ngoài tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp thành lập mới, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đang tích cực.
Vì vậy, chúng ta cũng có quyền hy vọng về sự hồi phục nhanh chóng của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm nay. Đây cũng là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 này.
Tuy nhiên, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc để thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Rõ ràng, những giải pháp mà Chính phủ và các Bộ, ngành đưa ra là chủ động, tuy nhiên, trong hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp đang đối diện với những rủi ro khách quan, ví dụ như căng thẳng ở Biển Đỏ. Đâu là giải pháp cho các doanh nghiệp, thưa ông?
Nói đơn hàng xuất khẩu quay trở lại là điều rất đáng mừng. Nhưng hầu hết các đơn hàng xuất khẩu mới chỉ là ngắn hạn, dài nhất cũng chỉ đến tháng 6/2024. Tuy nhiên, câu chuyện xuất khẩu cả năm 2024 thì các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi và thích ứng và cố gắng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Theo đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời đáp ứng với yêu cầu xanh hơn, giảm phát thải carbon cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm,… của các thị trường nhập khẩu.
Tiếp theo, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tăng tỷ lệ nội địa hóa từ đó đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu của hoạt động của sản xuất kinh doanh. Từ đó, hạ thấp giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, triển khai các chương trình khuyến mại, có như vậy mới có thể mở rộng khả năng tiêu dùng hàng hóa sản phẩm trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu.
Thông điệp đầu năm được Chính phủ nhắn nhủ đến các Bộ, ngành, doanh nghiệp đó là không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" cũng như "không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được", ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Đây là chỉ đạo rất đúng và trúng. Bởi lẽ, từ trước đến nay, trong việc giải ngân vốn đầu tư công hay trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chúng ta vẫn cứ nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tuy nhiên, thời gian trôi đi nhanh lắm, dẫn đến có những khó khăn trong việc bắt nhịp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu chúng ta cứ “thong thả” đầu năm và thỏa mãn với những kết quả đạt được.
Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm này, chúng ta cần phải đẩy mạnh hoạt động đầu tư công. Việc này cũng cần được quán triệt ở các ngành, các lĩnh vực, các hoạt động khác trong nền kinh tế để cùng nhau bước vào năm mới với một tâm thế quyết tâm vượt khó.
Bởi lẽ, năm 2024 nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nếu các doanh nghiệp không quyết tâm thực hiện tốt các kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ những tháng đầu năm, những quý đầu năm, không vượt qua được những khó khăn trở ngại, cũng như chủ động hoàn thành những kế hoạch đặt ra thì khó có thể hoàn thành mục tiêu từng doanh nghiệp, cũng như của cả nền kinh tế đặt ra cho năm 2024.
Xin cảm ơn ông!
Báo cáo của S&P Global thông tin chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng dù mức cải thiện lần này chỉ là nhỏ. Đặc biệt, báo cáo cho thấy các điều kiện kinh doanh nói chung được cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Theo đó, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là những yếu tố đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng như số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây. |