Tác động tích cực
Báo cáo tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, năm 2018, Chương trình XTTMQG được giao 110 tỷ đồng kinh phí, trong đó 103 tỷ đồng cho thực hiện hoạt động XTTMQG nói chung và 7 tỷ đồng cho XTTM mặt hàng gạo. 171 đề án đã được triển khai thực hiện, 100% kinh phí đã được sử dụng và giao về cho các đơn vị thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu đổi mới Chương trình XTTMQG phù hợp |
Với sự nỗ lực của Bộ Công Thương và các địa phương, doanh nghiệp, chương trình đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận: Gần 5.000 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ và thụ hưởng từ chương trình; tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện XTTM xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD và 106,82 tỷ đồng; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt hơn 141,82 tỷ đồng…
Đáng lưu ý, cùng với định hướng hỗ trợ trọng điểm cho xuất khẩu, Chương trình XTTMQG đã giúp các doanh nghiệp duy trì ổn định tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tăng cường khai thác các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi.
Chương trình cũng dành nguồn lực đáng kể hỗ trợ phát triển các ngành hàng thế mạnh như nông, lâm, thuỷ sản…. Với nội dung này, chương trình luôn chọn các doanh nghiệp có uy tín, năng lực sản xuất cao tham dự các hội chợ chuyên ngành tại các nước Nga, Bỉ, Mỹ… Qua đó, giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác trong sản xuất kinh doanh.
Riêng với nhóm ngành sử dụng nhiều lao động, ngành hàng công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ, chương trình ưu tiên hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến giao thương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình XTTMQG hoàn thành 171 đề án trong năm 2018 |
Với những kết quả đã được, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Chương trình XTTMQG đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước năm 2018. Quan trọng hơn, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước từng bước vững chắc tiến vào sân chơi lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang tạo ra sức cạnh tranh gay gắt.
Đổi mới phương thức thực hiện
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả Chương trình XTTMQG đã đạt được trong năm 2018, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại. Theo đó, một số đơn vị chủ trì do chưa đánh giá đầy đủ tính khả thi của thị trường cũng như năng lực của ngành hàng dẫn đến phải điều chỉnh nội dung đề án hoặc không thu hút được doanh nghiệp tham gia với quy mô theo quy định. Nguồn lực XTTM phân tán trong nhiều lĩnh vực và chưa có hoạt động hỗ trợ mang tính dài hơi, theo chuỗi từ XTTM phát triển sản phẩm, thiết kế, xây dựng thương hiệu đến thị trường tiêu thụ. Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện các hoạt động XTTM dẫn đến tình trạng trùng lắp, lãng phí nguồn lực.
Chương trình XTTMQG năm 2018 mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp (Ảnh: Lê Chí) |
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành định hướng Chương trình XTTMQG giai đoạn 2018-2020, tuy nhiên nhiều đơn vị chưa đổi mới cách thức thực hiện hoạt động XTTM nhằm nâng cao hiệu quả và hỗ trợ doanh nghiệp.
Định hướng đổi mới phương thức thực hiện Chương trình XTTMQG trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Chương trình cần lựa chọn những sự kiện, doanh nghiệp và ngành hàng có năng lực tốt để hỗ trợ. Tạo những điển hình, từ đó sẽ lan toả hiệu quả tới các doanh nghiệp và ngành hàng khác. Hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm là hoạt động XTTM truyền thống nhưng vẫn tạo ra hiệu quả rõ rệt, do đó cần giữ lại hoạt động này, chỉ lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho phù hợp.
Truyền thông cũng là yếu tố rất quan trọng, không chỉ Bộ Công Thương mà các Bộ, ngành khác cũng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, thông tin về các mặt hàng của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Tạo dấu ấn nhận diện bước đầu cho hàng hoá trong nước trước khi tiến hành các hoạt động giao thương cụ thể.