Thứ tư 20/11/2024 19:28
Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN:

Chung tay tạo đổi thay, kết nối toàn cầu

Trong hai ngày 20 và 21/2/2017, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã được tổ chức tại Boracay, Philippines. Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của ASEAN trong năm 2017 do Philippines chủ trì, năm thứ hai của Cộng đồng ASEAN và cũng là năm đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển của ASEAN (1967-2017). Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị. 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (trái) đã có cuộc tiếp xúc bên lề với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines

Tăng cường liên kết ASEAN thực chất hơn

Như thông lệ, tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã xem xét, trao đổi các biện pháp thúc đẩy triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 (Vientiane, tháng 9/2016), xác định các ưu tiên của ASEAN 2017, trong đó có đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Hội nghị đã thông qua chủ đề của năm ASEAN 2017 là "Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu"; nhất trí cao với 6 định hướng ưu tiên mà Chủ tịch Philippines đề xuất. Đó là xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân; thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo; nâng cao năng lực tự cường của ASEAN và đưa ASEAN trở thành hình mẫu của hợp tác khu vực.

Trước những diễn biến tình hình phức tạp, khó đoán định, các Bộ trưởng đề cao ý nghĩa, tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm, những giá trị nền tảng đã, đang và sẽ tiếp tục bảo đảm thành công của ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí cần đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng Cộng đồng thực sự hướng tới người dân thông qua tăng cường liên kết ASEAN thực chất hơn, triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác nhằm mang lại lợi ích và tác động cụ thể, thiết thực cho cuộc sống của người dân khu vực. Theo đó, nhiều ý kiến, đề xuất hợp tác cụ thể được đưa ra như thúc đẩy và bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; y tế công cộng; ứng phó với các thách thức đang nổi lên như thiên tai, biến đổi khí hậu, ma túy, buôn bán người, cướp biển…

Các Bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Về Biển Đông, nhiều Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây và các hoạt động leo thang ở khu vực có thể làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin. Các Bộ trưởng ghi nhận sự cần thiết duy trì động lực tiến hành đối thoại để làm dịu căng thẳng trong khu vực. Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy lòng tin, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, thúc đẩy các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc đạt khung COC trong năm 2017 nhằm tạo thuận lợi sớm hoàn tất COC.

Việt Nam tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm

Tham dự hội nghị, đoàn Việt Nam với phương châm "Chủ động, tích cực và có trách nhiệm" đã có nhiều đóng góp thực chất và cụ thể vào các nội dung thảo luận.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chúc mừng Philippines đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2017, cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Philippines và các nước ASEAN khác bảo đảm thành công của ASEAN trong năm 2017. Phó Thủ tướng bày tỏ ủng hộ các ưu tiên hợp tác của ASEAN trong năm Chủ tịch của Philippines, tin tưởng rằng việc triển khai các ưu tiên này sẽ góp phần tăng cường nội lực, kết nối cũng như khả năng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, nhất là trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế chuyển biến nhanh chóng, phức tạp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân luôn là ưu tiên hàng đầu, theo đó, ASEAN cần chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm người dân hưởng lợi bình đẳng từ tiến trình xây dựng Cộng đồng. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết và hợp tác kinh tế nội khối, tăng cường sức hấp dẫn của ASEAN với tư cách nền kinh tế khu vực gắn kết cao, tiếp tục các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối hạ tầng, chú trọng phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình liên kết khu vực.

Bàn về quan hệ đối ngoại, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN cần chủ động hơn, khẳng định vai trò dẫn dắt tại các cơ chế do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, EAS, nâng cao hiệu quả, tính gắn kết và bổ trợ của các cơ chế này; qua đó, tiếp tục thu hút, duy trì sự quan tâm, tham gia của các đối tác, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực cũng như thúc đẩy vai trò toàn cầu của ASEAN.

Trong thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò thiết yếu của hòa bình, ổn định và an ninh đối với thịnh vượng và phát triển ở khu vực. Tình hình phức tạp, khó lường hiện nay đặt ra cho ASEAN yêu cầu phải củng cố, phát huy tiếng nói chung trong việc xử lý các vấn đề chiến lược, chủ động biến thách thức thành cơ hội, đề cao thượng tôn pháp luật và chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, cảnh báo sớm xung đột, và quan trọng nhất là tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh gia tăng các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực như biến đổi khí hậu, thiên tai, cướp biển… Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ, tăng cường hợp tác ứng phó các thách thức, đặc biệt là tích cực chia sẻ thông tin, đấu tranh ngăn chặn nạn cướp biển nhằm bảo đảm an ninh cho người và tài sản của tàu thuyền các nước qua lại ở khu vực.

Đề cập vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp trên thực địa, nhấn mạnh ASEAN cần củng cố đoàn kết, thống nhất, kiên trì và phát huy các lập trường chung đã có. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tăng cường tham vấn đối thoại về vấn đề Biển Đông, xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ DOC, phấn đấu đạt khung COC vào giữa năm 2017, hướng tới sớm hoàn tất COC.

Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Phillippines ra Tuyên bố Báo chí phản ánh những nội dung và kết quả chính của Hội nghị.

Vũ Vũ
Bài viết cùng chủ đề: Bùi Thanh Sơn

Tin cùng chuyên mục

Timor Leste mong muốn sớm gia nhập ASEAN

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 8 tại Bắc Kinh

Tại sao Cộng đồng kinh tế ASEAN không được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

ASEAN và vai trò ổn định Đông Nam Á trước xung đột Mỹ - Trung

Khai thác hợp lý, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững là yêu cầu cấp thiết đối với ASEAN

ASEAN phát động Giải thưởng về công nghệ thông tin và truyền thông

Thủ tướng: ASEAN cần ưu tiên hàng đầu cho củng cố đoàn kết

Hy vọng hoàn tất hiệp định RCEP vào cuối năm nay và ký kết vào năm 2020

Hiệp định RCEP sẽ sớm hoàn tất trong năm 2019

Nông dân Philippines có thể tổn thất 4 tỷ USD khi thuế suất bằng 0 trong ASEAN

Công bố cuốn sách “Câu chuyện du lịch Việt Nam”

Cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác du lịch

Việt Nam khẩn trương chuẩn bị cho Diễn đàn du lịch ASEAN 2019

Những gã khổng lồ công nghệ sẽ đào tạo 20 triệu nhân lực trẻ Đông Nam Á vào năm 2020

Doanh nghiệp cần mạnh mẽ, chủ động hơn

Tăng cường phổ biến hoạt động của thống kê ASEAN

Khởi động Chương trình Thủ lĩnh thanh niên Đông Nam Á 2019

Thị trường ASEAN đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

"Phiên chợ" ý tưởng quốc tế

Hơn 28 triệu việc làm ở ASEAN có khả năng bị ảnh hưởng trong 10 năm tới