Đại biểu Quốc hội - doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
CôngThương - Quan điểm trên được đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group) Nguyễn Thị Nguyệt Hường đưa ra, trước thực tế hàng chục nghìn doanh nghiệp “biến mất” từ đầu năm đến nay, cũng như số doanh nghiệp thành lập mới đang giảm dần.
Ở góc độ vừa là đại biểu, vừa là một doanh nhân trực tiếp sản xuất kinh doanh, vật lộn với những khó khăn trên thương trường, vị đại biểu này thẳng thắn nhìn nhận những mặt được và chưa được trong công tác điều hành của cơ quan quản lý cũng như bản thân các doanh nghiệp.
Trao đổi với bà Hường:
- Nhằm thể hiện cam kết, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng lộ trình giảm dần lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra, trong đó trần lãi suất huy động 14% cũng là một quyết sách mạnh thể hiện cam kết đó.
Trên thực tế, do khó khăn chung của nền kinh tế, không chỉ khối doanh nghiệp mà khối ngân hàng cũng rất khó khăn. Do đó, để hạ lãi suất, tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn phải là kiềm chế được lạm phát, phải hy sinh một vài mục tiêu nhỏ.
Đến thời điểm này, Chính phủ vẫn đang nhìn nhận tình hình rất khó khăn nên định hướng cho mục tiêu kiềm chế lạm phát lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn thông cảm, chia sẻ, đồng lòng chung sức với Chính phủ.
Có ý kiến cho rằng, trong 9 tháng đầu năm, việc có đến gần 50 nghìn doanh nghiệp “biến mất” có nguyên nhân không nhỏ từ việc nguồn tín dụng bị thắt quá chặt?
Không loại trừ nguyên nhân đó, nhưng theo tôi đây là một trong cơ hội, thời điểm thích hợp để sàng lọc doanh nghiệp, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, hoạt động không hiệu quả.
Tất nhiên, đâu đó cũng có những doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín, nhưng vì khó khăn tức thời về tài chính mà họ phải loại bỏ khỏi cuộc chơi. Đó là điều đáng tiếc, bởi như thế là họ đã "chết oan".
Tôi hy vọng rằng, vấn đề quan trọng là việc phân loại cụ thể các nhóm, ngành, doanh nghiệp nào được tiếp cận vốn tín dụng hoặc cơ hội để đảm bảo sản xuất sẽ được điều hành chi tiết, cụ thể hơn trong thời gian tới.
Bởi, trong thời gian qua, với chủ trương không hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán chưa được thực hiện một cách cụ thể và chuẩn xác. Về nguyên tắc, thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực này là đúng, song với những doanh nghiệp trong khu công nghiệp muốn mở rộng sản xuất, đầu tư nhà xưởng thì lại cho rằng họ đang đầu tư bất động sản, nên không cho vay vốn, như vậy sẽ làm triệt tiêu động lực cũng như khiến họ mất luôn cơ hội kinh doanh.
Tôi nghĩ, chính sách và cách điều hành phải hướng đến những nhân tố tích cực để giải quyết những mục tiêu mà chúng ta đã đưa ra.
Ngoài bất cập như bà nói, kế hoạch kinh doanh năm nay của VID Group có bị “vỡ” không bởi việc “thắt” tín dụng có phần hơn quá so với mục tiêu ban đầu?
Năm 2010 tăng trưởng tín dụng khoảng 30%, rồi đầu năm nay lại đề ra là 20%, nhưng sau đó Chính phủ dự kiến cả năm nay chỉ khoảng 12% rõ ràng là bị siết hơi mạnh tay, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn vì đang đầu tư dở chừng, sản xuất bị đình trệ.
Tôi cho rằng, cần phải có những tính toán kỹ lưỡng về mức tăng trưởng tín dụng cũng như đối tượng được thu hưởng.
Riêng với VID Group, chúng tôi là doanh nghiệp đầu tư dài hạn và theo tín hiệu của thị trường nên cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Cũng có thể mỗi một doanh nghiệp có một cách làm khác nhau, vấn đề là khi nhìn thấy một xu hướng chung thì phải có điều tiết cho phù hợp. Nếu thấy nhà nước siết thế mà vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt thì rõ ràng là dòng tiền vào và ra không cân đối, tất yếu sẽ khó khăn.
Cho nên, chúng ta cũng không thể đổ hết cho Chính phủ và ngân hàng mà phải có những chiến lược phù hợp, phải chủ động trong tình thế khó khăn này, phải có cách thức xoay xử để thích nghi với khó khăn.
Tôi thấy vừa qua một số doanh nghiệp bất động sản hạ giá bán là một cách thức tốt, vừa để huy động vốn để tiếp tục đầu tư và trả nợ, đó là cách thức thể hiện sự phản ứng của doanh nghiệp, vừa có lợi cho tổng thể nền kinh tế. Doanh nghiệp phải có sáng tạo để tự cứu lấy mình và thị trường chấp nhận sự sáng tạo đó thì lại càng tốt.
Có nghĩa là bà ủng hộ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua?
Thực tế thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng mới nhậm chức chưa lâu. Nhưng theo tôi, động thái điều hành khá tích cực, đặc biệt là hai tuyên bố về ổn định tỷ giá và hạ lãi suất đầu ra. Với tình hình hiện nay, nếu thực hiện lãi suất 17 - 19% cho khối sản xuất là có thể thực hiện được.
Rõ ràng, kinh nghiệm của năm nay sẽ là cơ sở để chúng ta điều hành tín dụng hài hòa, hiệu quả hơn trong năm 2012.
Theo bà, doanh nghiệp hiện nay lo ngại nhất điều gì?
Tôi cho rằng, vì nền kinh tế của ta là nền kinh tế mở, nên khối doanh nghiệp tham gia và có liên quan đến xuất, nhập khẩu là khá lớn. Do vậy, một trong những nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp là tỷ giá, dù điều này đang là mục tiêu và cũng là cam kết của Ngân hàng Nhà nước vừa qua.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm là giai đoạn rất nhạy cảm, giống như một hàn thử biểu, đòi hỏi những người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng phải đồng lòng, chung sức để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.