Nửa đầu năm 2024, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đón nhận nhiều "nốt thăng" tích cực, trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 6,42%, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực sản xuất, đặc biệt trong các tháng 5 và 6 vừa qua. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, khu vực dịch vụ tiếp tục thể hiện đà tăng trưởng khá vững chắc được củng cố thêm nhờ sự hồi phục của hoạt động xuất - nhập khẩu. Tổng kim ngạch đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với 6 tháng đầu năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
VCBS dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 6 tháng cuối 2024, qua đó, đẩy mức tăng cả năm lên từ 50 - 100 điểm cơ bản so với năm 2023, đảm cho sức hấp dẫn nắm giữ VND. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với VND vẫn đang hiện hữu, chịu tác động bởi các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khi trì hoãn cắt giảm lãi suất (giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%) trước những dữ liệu về lạm phát gần đây không như kỳ vọng. Theo đó, từ giữa tháng 4 tới nay, tỷ giá luôn được giao dịch sát ngưỡng trần, đưa mức giảm giá tiền đồng so với USD khoảng 5%.
Trước áp lực tỷ giá thường trực, nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô sau khi tạo đáy vào tháng 4, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại trong tháng 5 và tháng 6 đã tăng khoảng 20 - 40 điểm cơ bản và chủ yếu tại kỳ hạn trước 6 tháng. Áp lực tăng của lãi suất huy động đặt trong bối cảnh tăng trưởng huy động đạt khoảng 1,5% và tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6% so với cuối năm 2023.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhóm phân tích dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 6 tháng cuối 2024. Qua đó, đẩy mức tăng cả năm lên từ 50 - 100 điểm cơ bản so với năm 2023, đảm cho sức hấp dẫn nắm giữ VND.
Song, VCBS loại trừ khả năng xảy ra "cuộc đua" về lãi suất giữa các ngân hàng thương mại khi niềm tin tiêu dùng chưa thực sự hồi phục, hấp thụ tín dụng vào nền kinh tế còn tương đối chậm rãi.
Về phía lãi suất cho vay, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 6% so với cuối năm trước. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục theo sát mặt bằng lãi suất cho vay thông qua báo cáo lãi suất cho vay trung bình.
VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay trung bình sẽ không có nhiều biến động trong nửa cuối năm. Tuy vậy, vẫn có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của các ngân hàng thương mại. Với các đánh giá cập nhật về diễn biến, số liệu kinh tế thế giới giai đoạn gần đây cùng với các số liệu về tình hình kinh tế xã hội trong nước, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động có thể "nhích tăng" trong nửa cuối năm trong khi lãi suất cho vay đi ngang và tăng chậm hơn.
Nhóm phân tích cũng cho rằng, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vào cuối năm nay, trong điều kiện FED giảm lãi suất vào quý IV, hoặc xuất hiện những thông tin rõ ràng hơn về thời điểm hạ lãi suất đầu tiên. Với giả định đó, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng sẽ chỉ ở mức vừa phải, thậm chí có thể ít dồi dào hơn tại một số thời điểm áp lực tỷ giá gia tăng.
Như vậy, VCBS dự báo lãi suất liên ngân hàng duy trì quanh ngưỡng 4 - 5% và tăng dần lên mặt bằng cao, trong đó áp lực chủ yếu vào quý III và có thể hạ nhiệt vào quý IV/2024. Trong thời gian tới, công cụ thị trường mở sẽ được linh hoạt sử dụng nhằm định hướng lãi suất liên ngân hàng lên ngưỡng cao, giảm chênh lệch lãi suất VND và USD.
Điều đó dẫn tới thanh khoản liên ngân hàng có thể dần thu hẹp, tuy nhiên ít khả thiếu hụt. Tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm có thể được hấp thụ nhiều hơn vào nền kinh tế, ngoài ra, VCBS không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bán USD giao ngay nhằm ổn định tỷ giá, kéo theo một lượng lớn VND có thể được rút ra khỏi hệ thống.