Thứ hai 12/05/2025 11:35

Cây gạo ở Hà Nam bị chặt và lỗ hổng quản lý văn hoá

Cây gạo ở Hà Nam không chỉ là một gốc cây bị chặt, mà là biểu tượng của ký ức cộng đồng bị tổn thương vì thiếu cơ chế gìn giữ và chia sẻ lợi ích.

"Hiện tượng mạng" thành tâm điểm tranh cãi

Cứ mỗi độ cuối xuân, hoa gạo lại bừng nở ven những triền đê miền Bắc như một ngọn lửa đỏ thắp sáng miền ký ức. Cây gạo không chỉ là một hình ảnh, mà là một biểu tượng của sự sống, của hồn quê, của những điều mộc mạc mà sâu sắc.

Gốc gạo ở Hà Nam từng trầm mặc bên cánh đồng, bất ngờ trở thành "hiện tượng mạng". Những bức ảnh check-in lan truyền chóng mặt. Người người đổ về. Gốc cây ấy bỗng trở thành một "điểm đến triệu view" chỉ sau một cú click.

Nhưng rồi như một cú tát thẳng vào những ai mộng mơ... hàng cây hoa gạo rực đỏ bị chặt cụt lủn không phải vì thiên tai, mà vì… con người và sự bất lực của quản lý địa phương.

Một số cá nhân đã tự ý rào chắn, thu phí khách tham quan. Khi bị phản đối, họ thẳng tay "xử lý" cảnh quan như thể cái đẹp là tài sản riêng, không sinh lời thì... tiêu hủy.

Hình ảnh cây gạo ở tổ dân phố Nguyễn Đoài được cho là bị chặt cành lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Mạng xã hội có thể làm nên điều kỳ diệu, biến một gốc cây vô danh thành "điểm đến quốc dân". Nhưng cũng chính mạng xã hội, khi không đi kèm dẫn dắt và quản trị, lại có thể biến cái đẹp thành tâm điểm tranh cãi.

Người ta tiếc. Người ta phẫn nộ. Người ta viết status khóc thương. Nhưng không ai trả lời được một câu hỏi đơn giản: Cây gạo đó thuộc về ai?

Nếu là tài sản tư nhân thì người dân có quyền kiểm soát không gian sống của họ. Nhưng thu phí như thế có hợp lý không? Có minh bạch tài chính không? Có cơ sở pháp lý nào quy định, hướng dẫn hay bảo vệ họ? Hay đó chỉ là phản ứng tự phát, ngẫu hứng trước tiềm năng kinh tế bất ngờ khi gốc cây bỗng trở thành "điểm đến triệu view"?

Nếu là tài sản công, thì cơ quan nào đứng ra điều phối? Ai chịu trách nhiệm quy hoạch điểm đến, giữ gìn trật tự, hướng dẫn du khách và quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích một cách công bằng với cộng đồng sở tại?

Không có câu trả lời. Hoặc đúng hơn, là không ai dám trả lời. Bởi sự nhập nhằng về sở hữu, sự mù mờ trong quản trị và sự thờ ơ của các bên liên quan đã biến một gốc gạo thành biểu tượng cho một thất bại hệ thống: Thất bại trong bảo vệ cái đẹp, thất bại trong phân định lợi ích và thất bại trong ứng xử với di sản sống.

Từ gốc gạo đến khoảng trống trong quy hoạch văn hóa

Vụ việc không chỉ dừng lại ở chuyện "một cây gạo bị chặt vì cự cãi tiền chụp ảnh". Mà là câu hỏi nhức nhối về cách chúng ta đối xử với tài sản văn hóa, thiên nhiên trong thời đại truyền thông số.

Hôm nay là một cây gạo. Ngày mai có thể là một bãi đá cổ, một ruộng bậc thang, một con đường phủ hoa, một giếng làng, một bờ đê phủ lau… Tất cả đều có thể "lên xu hướng" sau một cú click chuột và cũng có thể bị lãng quên hoặc phá hủy sau một cuộc tranh cãi.

Khi danh tiếng đến quá nhanh, còn quản trị thì mãi chưa kịp cập nhật, thay vì tạo ra mô hình phát triển du lịch bền vững thì lại tạo ra mâu thuẫn, lạm dụng và cuối cùng là xung đột xã hội.

Du khách chụp ảnh tại con đường hoa gạo hồi tháng 3. Ảnh: Thuy Ja

Mỗi lần một cảnh đẹp "lên trend" là mỗi lần loay hoay chạy theo thị hiếu chứ không hề có quy hoạch. Không tổ chức. Không chia sẻ lợi ích. Không người đại diện hợp pháp. Không quy trình phối hợp ba bên: Chính quyền - người dân - du khách.

Trong sự vắng bóng ấy, chính quyền địa phương lẽ ra phải đứng giữa như một trụ cột điều hòa, bảo vệ tài sản cộng đồng thì lại đứng ngoài cuộc hoặc chỉ phản ứng muộn màng sau khi mọi chuyện đã rồi.

Tại sao không chủ động nắm bắt những "trào lưu mạng xã hội" để biến điều bất ngờ thành cơ hội phát triển bền vững?

Không thể tiếp tục coi cảnh sắc quê hương là thứ "sản phẩm tiêu dùng" ngắn hạn, đến để chụp, để khoe, rồi rời đi, bỏ lại sau lưng tranh cãi và sự xáo trộn cộng đồng.

Làm văn hóa không thể chỉ dừng ở những lễ hội hoành tráng hay khẩu hiệu mỹ miều, mà phải bắt đầu từ việc giữ lại từng gốc cây, từng bờ đê, từng mái nhà cổ như những trang nhật ký sống động của ký ức cộng đồng.

Một cây gạo bị chặt không chỉ mất đi một bóng cây mà là mất đi một cơ hội để chúng ta học cách ứng xử văn minh với cái đẹp, tử tế với ký ức và có trách nhiệm với di sản.

Đừng đợi đến khi biểu tượng gãy đổ mới đi tìm thủ phạm. Điều chúng ta cần là một hệ sinh thái văn hóa, nơi cái đẹp được quy hoạch, ký ức được gìn giữ, cộng đồng được lắng nghe và chính quyền không thể đứng ngoài.

Không phải cứ nổi tiếng là sẽ được bảo vệ. Không phải cứ "viral" là đã đủ để trường tồn.

Chỉ có sự đồng lòng giữa luật pháp, cộng đồng và ý thức giữ gìn mới giúp một biểu tượng sống lâu hơn vòng đời của một trào lưu.

Trước đó, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, thông tin về việc du khách tới phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) để chụp ảnh với cây hoa gạo phải nộp tiền phí, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Sau đó, tới sáng 11/4, thông tin về việc những cây hoa gạo ở khu vực này bị chặt cành do tranh cãi về thu tiền chụp khiến nhiều người bức xúc.

Hoàng Nguyên Thảo
Bài viết cùng chủ đề: Hà Nam

Tin cùng chuyên mục

Ngành hóa chất: Hướng tới vai trò ngành công nghiệp nền tảng

Học 2 buổi, ăn miễn phí: Chủ trương chạm đến triệu trái tim

Thức tỉnh ‘giấc mơ’ thương hiệu: Câu chuyện đặc biệt từ một gói cà phê

Nghị quyết 68: Cú huých thể chế cho kinh tế tư nhân

Tập đoàn toàn cầu đưa Việt Nam vào kế hoạch kinh doanh

Sau vụ nam sinh vô lễ với cựu chiến binh: Đại học Văn Lang lan tỏa hình ảnh đẹp

Xây thương hiệu phải bắt đầu từ bảo hộ trí tuệ

Nam sinh Văn Lang vô lễ: Nữ sinh Nhân Văn bật khóc nhường chỗ hai cựu chiến binh

Kinh tế tư nhân Việt Nam có giá trị nhân văn cao cả

Bỏ qua vài kẻ vô ơn, đại lễ thổi bùng lẽ sống đẹp ‘tuyệt đối không điện ảnh’ của giới trẻ

Những khu đô thị bỏ hoang và câu hỏi về thuế bất động sản

Từ ánh mắt học trò đến nhịp bước công nhân: Tự hào hai tiếng Việt Nam!

Hãy yêu nước bằng những việc làm nhỏ nhất như đừng xả rác khi dự đại lễ

Ý nghĩa chính trị to lớn của các cuộc duyệt binh, diễu binh lịch sử

Từ tầm nhìn của Tổng Bí thư: Việt Nam - một dân tộc, một tương lai

Người dùng gặp hoạ vì hàng giả 'núp bóng' thương hiệu ngoại

Trục lợi trên sức khỏe cộng đồng: Xử lý nghiêm, không khoan nhượng!

Cần hiểu đúng về 'chứng nhận FDA', tránh lợi dụng quảng cáo sai

Hai câu chuyện về thuế và góc nhìn đa chiều

Thanh Hoá: Lắng nghe lòng dân từ việc 'số hóa' tên phường, xã sau sáp nhập