Cần xây dựng “chợ đầu mối” nguyên phụ liệu cho ngành da giày
Thiếu nguyên phụ liệu nội địa
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định - cho biết, khi đại dịch xảy ra để ứng phó với đứt gãy nguồn cung giày Gia Định đã chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước thay thế. Hiện công ty đã thành lập những cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho ngành nguyên phụ liệu, đồng thời đầu tư một số xưởng để sản xuất nguyên phụ liệu.
Tuy nhiên những doanh nghiệp chủ động được như giày Gia Định không nhiều và hiện tại ở Việt Nam ngành nguyên phụ liệu nói chung mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sản xuất của ngành da giày.
Sản xuất giày tại Công ty TNHH Giày Tuấn Việt |
Nói về vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) - chỉ ra là do ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này chưa tương xứng. Ví dụ, nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao.
Trong khi đó với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì sản phẩm da giày cần phải đáp ứng quy định hàm lượng xuất xứ nguyên liệu. Do đó, công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ trong các FTA.
“Phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày là vấn đề cấp thiết và đã được đề cập nhiều năm nay song Việt Nam vẫn chưa làm được. Mặc dù các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam rất nhiều nhưng gốc rễ của vấn đề là chúng ta chưa có một trung tâm tập trung. Trung tâm này không phải là một vài héc ta hay trung tâm nghiên cứu, phát triển hoặc phòng thí nghiệm, mà nó phải là trung tâm triển lãm, hội chợ mà ở đó có kho logistics, có thương mại để các doanh nghiệp đến trưng bày thành phẩm, trưng bày công nghệ, trưng bày nguyên phụ liệu”- ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch LEFASO nêu ý kiến.
Theo ông Thuấn, trung tâm này sẽ giống như chợ đầu mối cho ngành da giày. Khi có mua, có bán, có lợi thì không cần khuyến khích, các doanh nghiệp, địa phương cũng sẽ làm.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Chí Trung, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp mong muốn là sự hỗ trợ về tài chính. Cụ thể là ưu đãi cho vay tài chính hoặc giảm thuế. Trong đó việc giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ rất quan trọng bởi nó giúp sản phẩm làm ra cạnh tranh được về giá thành so với những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các nước khác.
Liên quan đến những chính sách hỗ trợ cho ngành da giày phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng dự thảo sửa Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ để phù hợp thực tế cũng như bổ sung danh mục công nghiệp hỗ trợ phù hợp với xu thế hơn. Trong đó sẽ xây dựng nhiều chính sách nhằm giúp doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi. Theo đó dự thảo có thể đưa vào đề xuất việc hỗ trợ 50% tối đa mức vay tín dụng khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Trong đó sẽ tập trung phát triển nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày nhằm đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong vấn đề về mẫu mã, thiết kế, nghiên cứu phát triển. Đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, an toàn, lao động và phát triển bền vững với mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững và xanh hóa ngành da giày Việt Nam. |