Cần sớm xây dựng quy chuẩn về nước mắm
Không nên kết luận quá vội vàng làm tổn hại đến ngành công nghiệp nước mắm truyền thống |
Minh bạch thông tin
Nước mắm là gia vị không thể thiếu trong các gia đình Việt Nam, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và hiểu đúng về thành phần dinh dưỡng, độ an toàn cần có của sản phẩm nước mắm khi đưa vào sử dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, điều đáng lo ngại là người tiêu dùng không có nhiều thông tin để lựa chọn khi mua nước mắm, ngoại trừ những thông tin mà nhà sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm; tình trạng “vỏ một đằng, ruột một nẻo” lại đang phổ biến. Trên thực tế, nhiều loại nước mắm có độ đạm thấp hơn những gì DN công bố trên nhãn mác, thậm chí có những loại chênh lệch so với nhãn mác 40-50%. Trong những trường hợp ấy, người tiêu dùng phải bỏ tiền thật để mua “đạm ảo” mà không hề hay biết. Nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng, các nhà sản xuất đã đắp đổi sự thiếu hụt bằng những hóa chất nào đó để tăng độ đạm lên.
Đại diện Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang cho hay, mặc dù đã có quy định về cách ghi nhãn hàng hóa nhưng trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nước mắm công bố chất lượng, giá trị dinh dưỡng gây ngộ nhận cho người mua. Chẳng hạn, thay vì ghi độ đạm theo cách của nước mắm truyền thống, một số nhà sản xuất lại ghi bằng gram protein. Ví dụ, có sản phẩm ghi 25 gram protein nhưng thực chất chỉ đạt 4 độ đạm vì 1 gram đạm toàn phần bằng 6,25 gram protein. Người tiêu dùng thật khó biết được mình mua loại nước mắm bao nhiêu độ đạm.
Nước mắm Cát Hải ( Hải Phòng) sản xuất theo phương pháp truyền thống |
Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, hiện cả nước có gần 3.000 cơ sở sản xuất nước mắm, trải dài từ Bắc tới Nam và mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu đạt 7.200-7.500 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 75% lượng tiêu thụ thuộc về nước mắm công nghiệp. Điều đáng nói, các loại nước mắm công nghiệp hầu như không đáp ứng được tiêu chí về độ đạm. Ông Nguyễn Tử Cương - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản - cho rằng, tiêu chuẩn nước mắm truyền thống phải đạt độ đạm từ 10g đến 30g Nitơ/lít, nhưng đối với nước mắm công nghiệp, độ đạm thường chỉ đạt khoảng 10g Nitơ/lít.
Ông Đặng Văn Chính - Chánh Thanh tra Bộ Y tế: Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt Sở Y tế các tỉnh, thành phố thanh tra sản phẩm nước mắm. Sau khi tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Bộ Y tế sẽ thanh tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước mắm trên toàn quốc vào năm 2017. Đây là đợt thanh tra lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm nước mắm sau những lo ngại của dư luận đối với chất lượng của mặt hàng này. |
Thực tế, nước mắm truyền thống được sản xuất từ hai thành phần chính là cá và muối theo tỷ lệ xác định 1:3 (1 muối – 3 cá) và được ủ chượp lên men tự nhiên từ 6 - 12 tháng. Trong khi đó, loại nước mắm công nghiệp có đến khoảng 20 thành phần gồm tinh cốt cá cơm, muối, chất điều vị, chất tạo màu, chất tạo ngọt, chất bảo quản, hương cá… Theo quy định, trên 10g đạm/lít mới được gọi là nước mắm. Nhưng hiện nay, có những sản phẩm không hề chứa tinh chất nước mắm nào hoặc phần lớn chỉ có nước muối và hóa chất vẫn được gọi là nước mắm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Đại diện một DN sản xuất nước mắm truyền thống nhận định, với giá thành rất rẻ, cộng với sự nhập nhằng giữa nước mắm và nước chấm, nước mắm công nghiệp đã áp đảo nước mắm truyền thống. Không ít DN sản xuất nước mắm truyền thống đã buộc phải thu hẹp sản xuất để bảo toàn sự tồn tại.
Ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội Đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Hải Phòng- cho rằng, các cơ quan quản lý cần sớm có quy định cụ thể về các loại nước mắm đang được lưu thông trên thị trường; tăng cường kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng thực so với nội dung ghi trên nhãn, đồng thời công bố rộng rãi kết quả kiểm tra, xử lý với người tiêu dùng. Về phía các DN, phải trung thực thông tin về xuất xứ nguồn nguyên liệu, dung lượng các chất phụ gia...
Siết chặt quản lý
Trước những thông tin do Vinastas đưa ra, ông Phạm Tiến Dũng- Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT - chia sẻ: “Thực tế chưa có loại nước mắm nào không an toàn, vấn đề là hiện nay, chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về nước mắm và nước chấm. 13 năm qua, Việt Nam vẫn dựa theo tiêu chuẩn nước mắm TCVN 5107:2003 ban hành từ năm 2003 để đánh giá và quản lý sản phẩm nước mắm là không phù hợp với tình hình thực tế”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hồ Tùng Bách- Phó phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) - cho rằng, các loại nước mắm đang lưu thông trên thị trường cần phải rõ ràng, minh bạch thông tin về chất lượng cũng như nhãn mác. “Với những thông tin của Vinatas, Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ có những động thái cụ thể làm rõ việc đưa thông tin về thành phần sản xuất nước mắm. Qua đó, chúng tôi sẽ có hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận đầy đủ thông tin hơn” - ông Bách nhấn mạnh.
Bà Chu Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, Cục đã chỉ đạo các Chi cục QLTT chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành y tế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các cơ quan liên quan trên địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước mắm, nước chấm. Đặc biệt, chú ý kiểm tra việc sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu sản xuất nước mắm, nước chấm…
Về việc nước mắm chứa asen vượt ngưỡng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Trước hết, cần chú ý nội dung mập mờ mà Vinastas công bố trong “Thông cáo báo chí” của họ. Sau khi nêu: “Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đúng chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ”. Mặc dù vậy, họ không hề giải thích giữa hai loại asen hữu cơ và vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại. Cần biết, QCVN 8-2:2011/BYT là “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm” được ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT/BYT ngày 13/1/2011 của Bộ Y tế. Bản quy chuẩn này “giới hạn lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận tạm thời” tính theo mg/kg thể trọng đối với 6 thứ kim loại nặng, trong đó có asen, nhưng bản Quy chuẩn có ghi rõ là tính theo asen vô cơ, từ đó quy định giới hạn ô nhiễm 6 thứ kim loại nặng trong thực phẩm, trong đó giới hạn asen trong nước chấm là 1mg/l. Như vậy là bản quy chuẩn chỉ có quy định giới hạn về asen vô cơ, không có quy định về asen hữu cơ hay “asen tổng” như Vinastas tự đặt ra. Asen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại, còn asen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại gì đối với cơ thể con người, vì vậy mà không quy định giới hạn. |