Bộ TT&TT chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập và UNESCO
Do vậy, Bộ chú trọng việc xây dựng mạng lưới phóng viên, kết nối nhóm phóng viên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và mong muốn cung cấp cho phóng viên các thông tin vừa cập nhật, vừa chuyên sâu để truyền tải đến công chúng cả nước. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí chưa được làm thường xuyên, đầy đủ.
This browser does not support the video element.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO, diễn ra sáng 5/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được phản hồi từ các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và đại diện các Bộ, ngành liên quan về cơ chế cung cấp và chia sẻ thông tin nhằm góp phần tăng cường hiệu quả, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và nhận thức về hội nhập, về Cộng đồng chung ASEAN, về các chủ đề quan tâm của UNESCO của người dân trên cả nước.
Dịp này, đại diện các Bộ, ngành như: Công Thương, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã cập nhật thông tin về hội nhập tới các phóng viên.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cập nhật thông tin về tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam |
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã cập nhật cho các nhà báo về tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam. Hiện Việt Nam có 11 FTA đã có hiệu lực, 2 FTA đã kết thúc đàm phán, chuẩn bị ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Trong số đó, CPTPP được đánh giá là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong hơn 2 thập kỷ qua, thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam cắt giảm gần 100% dòng thuế, từ 66% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, kể từ 14/1/2019. Còn đối với EVFTA, hai bên đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục cuối cùng để sớm ký kết và phê chuẩn hiệp định. Theo đó, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 99% số dòng thuế, trong đó EU sẽ xóa bỏ 85,6% và Việt Nam xóa bỏ 48% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Còn ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu khái quát với các phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí các nội dung chính và chủ đề ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Theo đó, để chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.
Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao (giữa) thông tin về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam |
Theo ông Vũ Hồ, tiếp nhận vị trí Chủ tịch ASEAN, Việt Nam nhận thấy có bốn điểm cần tập trung là: Tăng cường đoàn kết của ASEAN để xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong tiến trình khu vực; Tận dụng các nguồn lực để xây dựng cộng đồng ASEAN; Thúc đẩy quan hệ song phương giữa các nước ASEAN, đối tác của ASEAN và Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam để đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam.
Về công tác tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2019-2020, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT đánh giá cao các cơ quan báo chí kể cả báo in, báo hình, báo điện tử đã đóng vai trò chủ lực trong tuyên truyền về ASEAN với nhiều chuyên mục và thông tin liên tục được cập nhật.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về ASEAN vẫn chủ yếu trên các kênh truyền thống, chưa chú trọng đến việc tuyên truyền trên mạng xã hội. Việt Nam hiện có gần 70% người dân sử dụng Facebook và trong top 5 nước truy cập Youtube.
Ông Phan Thảo Nguyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT: Việt Nam hiện có gần 70% người dân sử dụng Facebook và trong top 5 nước truy cập Youtube |
Việc tuyên truyền cũng cần phải thực hiện xuyên suốt, thường xuyên, liên tục, xuống tới địa phương; đặc biệt cần ưu tiên tuyên truyền đi sâu vào những vấn đề cụ thể, có lợi ích thiết thực cho người dân, thể hiện dòng chảy chính của công tác hội nhập ASEAN, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và sự ủng hộ của người dân và dư luận cho Năm Chủ tịch ASEAN.
Liên quan đến chủ đề vể UNESCO, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu một số hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong thời gian qua và định hướng trong những năm tới; các nội dung thông tin tuyên truyền về UNESCO giai đoạn 2019-2020 trong lĩnh vực văn hóa – di sản; Các hoạt động chính của Tiểu Ban giáo dục – Ủy ban Quốc gia UNESCO giai đoạn 2019-2020; Hoạt động mạng lưới công viên địa chất của Việt Nam trong tình hình hiện nay.