Thứ sáu 29/11/2024 06:42

Bộ Công Thương phối hợp cùng tỉnh Lạng Sơn giải quyết ùn ứ nông sản xuất khẩu

Trước tình hình nông sản xuất khẩu ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, ngày 22/10, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tới cửa khẩu Tân Thanh, phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn.  

Cửa khẩu phụ Tân Thanh là cửa khẩu chủ yếu xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hoa quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Thời điểm này, do lượng xe đổ dồn về đây nên xảy ra tình trạng xe hàng chưa kịp giải phóng ùn ứ chờ làm thủ tục, kéo dài hàng cây số từ cửa khẩu đến khu vực phi thuế quan.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Hoàng Khánh Duy - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn - cho biết, từ ngày 15/10 đến nay, lượng hàng hóa dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến (khoảng trên 250 xe/ngày), chủ yếu là mặt hàng thanh long và một số mặt hàng nông sản khác từ các tỉnh như: Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh...

Mặt khác, từ ngày 12/10/2019, lực lượng hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu, theo đó lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô và lực lượng thực thi quản lý, kiểm soát của Trung Quốc tại cổng xe nhập cảnh, kể cả xe không hàng và xe có hàng của Việt Nam.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn tại cửa khẩu Tân Thanh

Thời gian kiểm tra hiện nay mất khoảng 6 - 7 phút/1 xe, trước đây chỉ mất không quá 2 phút/xe. Do đó, lượng xe hàng xuất khẩu trong ngày chỉ đạt tối đa 120 - 150 xe/ngày, trong khi thời điểm trước cao điểm lượng xe thông quan trong ngày đạt trên 300 xe, dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về cửa khẩu, gây nên ùn tắc cục bộ” - ông Hoàng Khánh Duy chia sẻ.

Ông Hoàng Khánh Duy cho biết thêm: “Đến thời điểm 19h30 ngày 21/10, lượng phương tiện tại cửa khẩu còn tồn khoảng 470 xe”.

Ngay sau khi xảy ra tình trạng ùn ứ, trong hai ngày: 16-17/10, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu (biên phòng, hải quan, trung tâm quản lý cửa khẩu) trao đổi, làm việc với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc đề nghị phía bạn đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát hàng hóa. Không thực hiện kiểm tra, giám sát tại cổng cửa khẩu mà chỉ thực hiện khi xe hàng đã vào bãi tập kết, kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa đến 21 giờ hàng ngày, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu hai bên, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Xe xuất khẩu nông sản chờ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp kiểm tra thực tế tại khu vực cửa khẩu để chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tại cửa khẩu phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường ra cửa khẩu, bố trí lực lượng giải quyết ưu tiên thông quan xe chở hàng nông sản. Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cũng gửi Công hàm cho Chính phủ nhân dân thị trấn Bằng Tường và Chính phủ nhân dân thành phố Sùng Tả, Quảng Tây; trao đổi, hội đàm giải quyết tình trạng ùn ứ phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. Sở Công Thương Lạng Sơn đã ban hành văn bản số 1176/SCT-XNK khuyến cáo đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn về việc xuất khẩu nông sản, trái cây qua cửa khẩu Tân Thanh...

Theo bà Hoàng Thị Thiều Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, hiện tại, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã gia tăng thời gian làm việc. Cụ thể, bắt đầu làm việc từ 6 giờ 30 sáng, làm việc cả buổi trưa, đến khi nào phía Trung Quốc đóng cổng nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện hết mức về thời gian cho doanh nghiệp trong việc giải quyết thông quan hàng hóa xuất khẩu. Thêm vào đó, đổi qua đường dây nóng với phía bạn, tạo điều kiện rút ngắn thời gian kiểm soát phương tiện cũng như hàng hóa, xe không cũng như xe có hàng, nhằm giảm tối đa thời gian kiểm soát phương tiện, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu nhanh nhất. Đối với các mặt hàng nông sản dễ hư hỏng, tổ chức phân luồng, ưu tiên xuất khẩu trước, làm sao lượng hàng xuất khẩu trong ngày ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ tiếp tục gia tăng, hiện tượng ùn ứ hàng hóa khu vực cửa khẩu khả năng vẫn tiếp tục xảy ra. Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được thuận lợi, tránh thiệt hại cho thương nhân và người dân, đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông báo, khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân chủ động trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…

Đoàn công tác của Bộ Công Thương và đại diện một số cơ quan chức năng Lạng Sơn khảo sát thực tế tại cửa khẩu

Đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có các mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc thông báo về tình hình ùn ứ hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn để phối hợp chỉ đạo điều tiết hợp lý lực lượng hàng hóa lên cửa khẩu; chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn tất mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; chỉ đạo về tổ chức sản xuất nông sản theo quy hoạch, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, thương nhân…

Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - ghi nhận các nỗ lực của các sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã phản ứng kịp thời, hiệu quả trước tình trạng ùn ứ hàng hóa. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã sớm thấy hiện tượng và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn trong việc giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ, đặc biệt là thanh long, do mặt hàng này đang bước vào chính vụ và lượng hàng đưa ra cửa khẩu thông quan rất lớn.

Về giải pháp, theo ông Trần Thanh Hải, trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thương nhân xuất khẩu mặt hàng thanh long ở phía Việt Nam đưa mặt hàng lên cửa khẩu xuất khẩu. Khả năng thông quan cũng phụ thuộc vào vấn đề hợp tác với phía bạn Trung Quốc, do đó các cơ quan, sở ngành tại địa phương phải có trao đổi với phía Trung Quốc, để hải quan nước bạn có biện pháp rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan.

Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc cũng đang tăng cường công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa. Điều đó khiến thủ tục thông quan dài hơn. Chính vì vậy, việc tuyên truyền cho các doanh nghiệp Việt Nam sớm biết để chấp hành, tuân thủ các quy định về bao gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, sẽ giúp khâu kiểm tra ở phía bạn sẽ được nhanh hơn.

Bộ Công Thương đã có công văn khuyến cáo các địa phương, vùng trồng, các hiệp hội, doanh nghiệp điều tiết phù hợp lượng hàng hóa đưa ra cửa khẩu, tránh hiện tượng ùn ứ trong thời gian tới. “Về mặt chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc, nhất là hải quan Trung Quốc, để đưa ra một quy trình làm sao thống nhất trên cơ sở tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động thương mại, mua bán hàng hóa” - ông Trần Thanh Hải nói.

Quỳnh Nga - Ngọc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Ngày 1-2/12, sẽ diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm