Bộ Công Thương: Nhiều biện pháp gỡ khó cho thương mại Việt – Trung
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, từ đầu tháng 02/ 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương biên giới và phía Trung Quốc xây dựng thành công cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 phê duyệt, quy trình này đưa vào triển khai đã không những giúp hoạt động thông thương hàng hóa Việt – Trung được duy trì mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối về phòng chống dịch bệnh.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế đã xây dựng thành công quy trình và cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước. Ảnh: Cấn Dũng |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng liên tục cung cấp thông tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tiến độ giải phóng hàng hóa ùn ứ tại biên giới và khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp lựa chọn về thời điểm và hình thức giao dịch với đối tác về tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu... Lãnh đạo Bộ Công Thương nhiều lần trực tiếp khảo sát, nắm tình hình và chỉ đạo công tác tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng..). Các Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung, Trung Quốc nói riêng liên tục báo cáo cập nhật thông tin diễn biến thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản và nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ nhu cầu trong nước.
Bộ Công Thương thường xuyên hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao như Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam để kịp thời trao đổi, nắm thông tin và thúc đẩy duy trì môi trường thuận lợi cho hoạt động thương mại hàng hóa song phương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã trực tiếp điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Choang Quảng Tây Trung Quốc vào tháng 3 để bàn các giải pháp khôi phục hợp tác kinh tế, thương mại song phương sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Từ cuối tháng 3/ 2020, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, dự báo trước được tình hình phía Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan qua biên giới đất liền, gây ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương ngay lập tức đã có nhiều biện pháp.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động giao thiệp với phía Trung Quốc để thúc đẩy giải quyết vấn đề phát sinh trong thương mại giữa hai bên. Theo đó, từ cuối tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh và Côn Minh chủ động giao thiệp với Chính quyền Quảng Tây và Vân Nam, đề nghị hai địa phương này tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân hai bên được thông suốt. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp trao đổi với phía Trung Quốc về việc này; Bộ Công Thương cũng làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ngày 08/4/2020, giao thiệp về các biện pháp siết chặt quản lý người và hàng hóa nhập cảnh giữa Việt Nam và Trung Quốc và thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi Công thư tới lãnh đạo các Bộ ngành địa phương của Trung Quốc như Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Tổng cục trưởng Tổng Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Choang Quảng Tây đề nghị phối hợp tìm kiếm giải pháp để đảm bảo thương mại hai Bên thông suốt.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết thêm, Bộ Công Thương đã cảnh báo sớm tới các địa phương và doanh nghiệp về việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Từ đầu tháng 4/2020, Bộ Công Thương đã có các văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc và UBND các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc về việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Trong đó, Bộ Công Thương thông báo cho Chính quyền các địa phương và doanh nghiệp các biện pháp siết chặt quản lý nhập cảnh của Trung Quốc và đề nghị theo dõi sát sao tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, giao nhận xuất khẩu hàng hóa qua biên giới nhằm tránh để phát sinh ùn ứ và tác động bất lợi khác.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực trao đổi với phía Trung Quốc để thu xếp các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong cũng như phối hợp với Sở Thương mại Quảng Tây tăng số lượng chuyến tàu vận tải hàng hóa đường sắt chở nông sản Việt Nam – Trung Quốc, giảm áp lực thông quan hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản tại các cửa khẩu biên giới đường bộ. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng dự kiến sẽ tiếp tục trực tiếp đi khảo sát tại các cửa khẩu thông quan chính để có những hướng chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.