Bộ Công Thương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính Bộ Công Thương: Đảm bảo nguồn điện những tháng cuối năm 2023 |
Các Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc thẩm quyền tổ chức lập của Bộ Công Thương theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về kết cấu hạ tầng gồm: Quy hoạch tổng thể về năng lượng; Quy hoạch phát triển điện lực; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Về sử dụng tài nguyên có Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
Riêng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ do phụ thuộc số liệu liên quan từ Bộ Tài nguyên và Môi trường nên chưa tiến hành các công việc để phê duyệt.
Theo Luật Quy hoạch, Quy hoạch ngành quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Quy hoạch Điện VIII tức Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 được chính thức phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng ngay sau đó các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền tổ chức lập của Bộ Công Thương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch tổng thể về năng lượng được phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg (ngày 26/7/2023); Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản được phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg (ngày 18/7/2023); Quy hoạch về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg (ngày 18/7/2023).
Có thể nói đây là các quy hoạch chuyên ngành có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành năng lượng cũng như điện lực và công nghiệp khai khoáng quốc gia, mà còn với toàn bộ nền kinh tế.
Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho các ngành |
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã khẩn trương chỉ đạo triển khai xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực Công Thương nhằm tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước của Ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.
Đồng thời các Quy hoạch ngành quốc gia nêu trên cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên khoáng sản gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đáng chú ý việc các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng, điện và công nghiệp khai khoáng quốc gia theo hướng hiện đại, bền vững, công bằng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; đồng thời, thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương cùng các ban, bộ, ngành liên quan của Trung ương và các địa phương trong quá trình xây dựng Quy hoạch
Đây là lần đầu tiên các Quy hoạch ngành quốc gia được tổ chức xây dựng với phương pháp tiếp cận mới theo quy định của pháp luật về quy hoạch và được triển khai thực hiện đồng thời trên phạm vi cả nước, đặc biệt là được triển khai xây dựng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và diễn biến phức tạp, kéo dài; tình hình, xu hướng phát triển năng lượng thế giới biến động nhanh chóng. Cùng với đó cũng có không ít các ý kiến tranh luận về các phương án tiếp cận của Việt Nam đối với các đòi hỏi từ quốc tế.
Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều vòng rà soát, sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, bảo đảm phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển ngành năng lượng, điện lực, khai khoáng của quốc tế.
Trong quá trình triển khai lập Quy hoạch, Bộ Công Thương đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Quy hoạch và các Nghị quyết, Nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch, bảo đảm cẩn trọng, kỹ lưỡng và cập nhật đầy đủ các nội dung chiến lược trong các Nghị quyết có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tầm nhìn dài hạn.
Đi cùng đó Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế và khu vực để hoàn thiện Quy hoạch, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch Trung ương thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam; Nghị quyết số 10 ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26.
Các Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc thẩm quyền tổ chức lập của Bộ Công Thương và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy sự chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương và nỗ lực cao của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương. Đồng thời trong quá trình xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ ngành hữu quan các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, tổ chức và các địa phương để bảo đảm tiến độ, chất lượng các Quy hoạch.
Để tổ chức thực hiện thành công các Quy hoạch ngành, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã của đất nước, việc tập trung lãnh đạo chỉ đạo các bước tiếp theo khi đã có Quy hoạch là rất quan trọng.
Theo đó, cần làm thật tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của các Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đề ra.
Tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản.
Các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiến hành rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong các Quy hoạch ngành nêu trên để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành có liên quan và quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch.
Cùng đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kinh tế - kỹ thuật và cơ chế chính sách có liên quan để quản lý và thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) và các kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương. Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trong lĩnh vực, địa bàn quản lý theo định hướng quy hoạch, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm.
Việc các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, điện lực, khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng, điện lực và công nghiệp khai khoáng quốc gia.
|