Bộ Công Thương cùng Hải Phòng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Long, Phó trưởng phòng – Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công Thương TP. Hải Phòng) cho biết, công nghiệp thành phố đã đạt được bước phát triển tích cực, ngày càng giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế, từng bước khẳng định ví trị trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước theo Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy số 868-TB/TU ngày 22/2/2022 về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/10/2017 về phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) làm việc với Sở Công Thương TP. Hải Phòng về tình hình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ |
Theo đó, phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng cơ bản bám sát quan điểm, mục tiêu và phương hướng đề ra. Các chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2025 và năm 2030 ban hành kèm theo Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 15/02/2024 của UBND thành phố.
Đáng chú ý, công nghiệp thành phố Hải Phòng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Công nghiệp điện tử - tin học, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó trưởng phòng – Phòng quản lý công nghiệp (Sở Công Thương TP. Hải Phòng) báo cáo tại buổi làm việc |
Đồng thời, duy trì phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có lợi thế như: Sản xuất phương tiện vận tải; sản xuất sản phẩm từ kim loại; sản xuất thiết bị điện; hóa chất - nhựa; chế biến thực phẩm; công nghiệp dệt may, da giày”. Giai đoạn 2019-2023, công nghiệp thành phố Hải Phòng cơ bản đang phát triển đúng theo định hướng đề ra.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2023 ngành điện tử - tin học đạt tốc độ tăng trưởng cao, đạt 31,2%/năm, năm 2023 đạt 487.939,60 tỷ đồng (giá SS 2010) chiếm tỷ trọng 57,4% so với toàn ngành. Một số dự án lớn đầu tư vào KCN Tràng Duệ như: LG Electronics; LG Diplay; LG Innotek; SL Electronics Việt Nam; Meiko Việt Nam; Dự án sản xuất các linh kiện điện tử của Công ty TNHH Điện tử Dongyang (Hàn Quốc); Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam; Công ty TNHH Haengsung Electronics Việt Nam; Công ty TNHH Tae Sung Hai Phong Vina...
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2019 -2023, ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác tăng trưởng không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và sự chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất xe xăng sang xe điện của Công ty TNHH sản xuất kinh doanh Vinfast. Tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác đạt 7,9%/năm, đứng thứ 4 về tốc độ tăng trưởng, năm 2023 đạt 31.592,52 tỷ đồng (giá SS 2010) chiếm tỷ trọng 3,7% so với toàn ngành.
Đối với phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn, theo đó công nghiệp sản xuất ô tô đã có các sản phẩm xe ô tô du lịch của Công ty TNHH sản xuất kinh doanh Vinfast và các sản phẩm ô tô tải nhẹ của Công ty TNHH Ô tô Hoa Mai, Chiến Thắng.
Riêng đối với công nghiệp hỗ trợ, ngoài doanh nghiệp FDI trong KCN Nomura sản xuất túi khí bảo vệ, tay lái ô tô, bộ dây dẫn điện, linh kiện cho bộ phận tiếp liệu của ô tô, hệ thống loa ô tô… đạt chất lượng quốc tế. Còn lại các cơ sở trong nước sản xuất các linh kiện, phụ kiện, cụm chi tiết phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tải.
Tập trung vào các giải pháp dài hạn
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hải Phòng nêu kiến nghị, căn cứ các nhiệm vụ được giao đề nghị Cục Công nghiệp hướng dẫn để triển khai thực hiện một số nội dung về Xây dựng tiêu chí thí điểm cho Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ Đông Nam Á, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường bộ cao tốc, đường sắt. Cụ thể, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các địa phương.
“Đề nghị Cục Công nghiệp hướng dẫn cụ thể các tiêu chí, biểu mẫu để đảm bảo xác định là cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị để Sở Công Thương thành phố Hải Phòng có cơ sở triển khai thực hiện”- Sở Công Thương TP. Hải Phòng đề xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp phát biểu tại cuộc họp |
Đồng thời, xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp đánh giá các văn bản, chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng thời gian qua đã được Hải Phòng ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho hoạt động công nghiệp trên địa bàn.
Các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đặt ra đối với ngành công nghiệp cũng được Hải Phòng đặt ra đầy đủ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết bài toán gốc là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp về khoa học công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Liên quan đến việc nghiên cứu, xây dựng Tiêu chí thí điểm cho Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ Đông Nam Á, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, ông Phạm Tuấn Anh cho hay, đường sắt là một nhiệm vụ quan trọng, quy mô không chỉ trong phạm vi thành phố Hải Phòng, cần có sự nghiên cứu chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng mới của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới (tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Đồng bằng sông Hồng (tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị).
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan để hoàn thiện các tiêu chí thành phố công nghiệp, trung tâm logistics cho Hải Phòng song song với việc hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương nêu trên, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024 (sau khi Bộ Tiêu chí nêu trên được ban hành để làm cơ sở)”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp mong muốn Sở Công Thương TP. Hải Phòng tiếp tục phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai hiệu quả những hoạt động phát triển ngành công nghiệp |
Về nội dung, xem xét nghiên cứu và ban hành các ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da - giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để bảo đảm đầu vào cho các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.
Trả lời đề xuất này, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, các sản phẩm nêu trên thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, các dự án sản xuất sản phẩm nêu trên được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tại Nghị định 111, cụ thể: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn 04 năm, giảm 50% trong vòng 09 năm tiếp theo, thuế suất 10% trong vòng 15 năm), thuế nhập khẩu, miễn, giảm tiền thuê đất, ...
Hiện nay, dự thảo Nghị định 111/2015/NĐ-CP sửa đổi đã điều chỉnh, cập nhật, bổ sung một số sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay và bổ sung một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới như hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ nghiên cứu phát triển…, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển sản xuất kinh doanh.
Cuối cùng, lãnh đạo Cục Công nghiệp mong muốn Sở Công Thương TP. Hải Phòng tiếp tục tham mưu chính quyền thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch dài hạn và bài bản hơn; mặt khác chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai hiệu quả những hoạt động phát triển ngành công nghiệp.
Về phía mình, Cục Công nghiệp sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp.